Thực tế ngay trong văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Dự án Thép Cà Ná, câu chuyện Formosa cũng đã được nhắc đến như một “tấm gương tày liếp”. Đó là Dự án Thép Cà Ná phải được đánh giá kỹ về vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị, để không xảy ra sự cố tương tự Formosa, sự cố mà cho đến nay đã để lại bài học sâu sắc cho Việt Nam trong quản lý kinh tế và đầu tư.
Từ sự cố này, chưa bao giờ, vấn đề bảo vệ môi trường lại được quan tâm đến thế. Cũng chưa bao giờ, chuyện có nên đánh đổi phát triển kinh tế trong ngắn hạn với bảo vệ môi trường lại được đặt ra rốt ráo như vậy.
Việc tạm dừng đề xuất chưa phải là dấu chấm hết cho Thép Cà Ná. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Vì Formosa nên Dự án Giấy và Bột giấy Lee&Man ở Hậu Giang cũng bị tạm ngừng chạy thử. Do Formosa, nên Quảng Ngãi đang yêu cầu xem xét thêm về vấn đề môi trường ở dự án bột giấy VNT19. Từ Formosa, mà Bộ Công thương và tỉnh Tiền Giang đang xem xét lại Dự án giấy Đại Dương, vốn đầu tư 200 triệu USD của nhà đầu tư Đài Loan…
Hẳn nhiên, cũng bởi bài học Formosa, nên cần đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng hơn về Thép Cà Ná - một dự án có quá nhiều điểm giống Formosa. Một dự án quy mô lớn như vậy mà chuẩn bị còn vội vàng, thông tin về dự án còn chưa toàn diện, thì khó có thể được Chính phủ đồng ý. Thêm vào đó, vấn đề đối với Thép Cà Ná không hẳn vì môi trường, mà còn là nhu cầu thị trường ra sao, tổng mức đầu tư, lộ trình triển khai dự án thế nào là phù hợp…
Cách đây ít lâu, cũng vì chuyện thị trường sụt giảm, nên JFE - đại gia ngành thép thế giới và Nhật Bản, đã phải “dừng cuộc chơi” với Dự án thép Guang Lian (Quảng Ngãi). Đành rằng với Thép Cà Ná - một dự án tư nhân - đằng thẳng mà nói, việc đầu tư hay không là quyền của doanh nghiệp, nhưng ở tầm vĩ mô, cũng rất cần định hướng từ Chính phủ. Lý do là kèm theo một dự án lớn như vậy, sẽ là vấn đề nguyên liệu, là đường, là điện, là đất, là cảng biển để vận chuyển, thậm chí cả là chuyện huy động vốn từ xã hội. Không thể để nguồn lực quốc gia bị sử dụng cho một dự án còn chưa rõ ràng về hiệu quả, về bảo vệ môi trường.
Việc tạm dừng đề xuất chưa phải là dấu chấm hết cho Thép Cà Ná. Nếu tất cả câu hỏi mà Chính phủ đặt ra được Tập đoàn Hoa Sen giải đáp và giải quyết thấu đáo, thì cửa vẫn có thể mở ra với Thép Cà Ná. Song một cách rõ ràng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra “mẫu số chung” cho việc quản lý kinh tế đối với các dự án đầu tư.
Không ham một cam kết đầu tư lớn, mà quên đi vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng không thể không tính tới một cách toàn diện các khía cạnh kinh tế của một dự án đầu tư, bao gồm hiệu quả đầu tư ra sao, khả năng đáp ứng về hạ tầng với dự án đó thế nào… Một quyết định duy ý chí có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá, giống như chuyện về những dự án đầu tư ngàn tỷ nằm đắp chiếu thời gian qua.
Chắc hẳn, không địa phương nào muốn đi vào vết xe đổ Formosa, cũng như vết xe đổ của những dự án ngàn tỷ đang “án binh bất động”!.