Thời sự
Thi đua ái quốc là đi tìm giá trị đích thực mỗi cá nhân, tập thể
Hải Hà - Chí Cường - 11/06/2019 12:07
Tìm giá trị đích thực trong mỗi cá nhân, tập thể chính là biểu hiện rõ nhất của phong trào thi đua ái quốc.
Biểu hiện cụ thể của phong trào thi đua yêu nước chính là việc các cá nhân, tập thể khẳng định được giá trị của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Chí Cường

Đây là nội dung cốt lõi được đưa ra tại Tọa đàm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với các phong trào thi đua yêu nước” nhân Kỷ niệm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2019) và Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng nay, 11/6, tại Hà Nội.

Mở đầu buổi tọa đàm, Thứ trưởng Võ Thành Thống đặc biệt nhấn mạnh tới công tác thi đua, khen thưởng luôn được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo đi cùng sự hưởng ứng tích cực của các tập thể, cá nhân trong toàn cơ quan khiến công tác này ngày càng đi vào nề nếp. Biểu hiện rõ nhất là các cán bộ, công chức, viên chức luôn thi đua học hỏi, phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, đoàn kết trong công tác nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Trong những năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, trong đó nổi bật là phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quốc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, phong trào thi đua ngành kế hoạch thi đua, thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới với nội dung chủ yếu là xây dựng cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng cho biết, ngày  24-25/6 tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2011-2020 tại tỉnh Bến Tre, trong đó, đặc biệt ghi nhận nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo tiêu biểu, nhiều điển hình tiên tiến được công nhận trong toàn ngành gắn với doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển giai đoạn 2017-2020.

Các nội dung thi đua chủ yếu tập trung vào các nội dung hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cải tạo môi trường kinh doanh, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đảm bảo quyền tiếp cận quyền kinh doanh, quyền tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Thống cũng lưu ý, trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các phong trào thi đua, yêu nước cần loại bỏ tính khoa trương, phi thực tế và thay vào đó là phát huy các điển hình tiên tiến, nhân tố tích cực nhằm đẩy lùi các tiêu cực phát sinh trong xã hội, coi trọng đóng góp tập thể, cá nhân làm lợi cho nhân dân, cho đất nước.

Trong số các đơn vị trực thuộc Bộ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu. CIEM cũng được vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam-Dấu ấn 30 năm đổi mới” và được đề xuất trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ đổi mới.

Đây cũng là đơn vị được ghi nhận có nhiều đóng góp trong công cuộc chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như hiện nay.

Theo Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung, dấu ấn đầu tiên về kinh tế thị trường là  luật doanh nghiệp, luật công ty  ra đời từ những năm 90, lần đầu tiên khu vực tư nhân được thừa nhận trong khung khổ hiến pháp 1980, trước đó là nghị quyết khoán sản phẩm nông nghiệp như khoán 100, khoán 10 có đóng góp trực tiếp của Viện soạn thảo và đề xuất ngay từ đầu.

Ông Cung cũng đề cập tới luật tư nhân, luật công ty, luật khuyến khích đầu tư trong nước, luật doanh nghiệp nhà nước, luật phá sản là những luật quan trọng trong thể chế kinh tế tư nhân.

“Toàn bộ phiên bản luật doanh nghiệp từ 1990-2014 đều do Viện CIEM chủ trì soạn thảo và gần đây nhất là đề án tái cơ cấu kinh tế chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ 2009 đến nay hay nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 19, Nghị quyết 02, đằng sau là những sản phẩm Viện  được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chủ trì soạn thảo, đánh giá, thậm chí là giám sát triển khai thực hiện”, ông Cung nhấn mạnh.

Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Chí Cường

Ông Cung cũng cho biết, động lực của các cán bộ, viên chức của CIEM chính là được ghi nhận và khẳng định mình.

“Đội ngũ chuyên môn của CIEM đều học ở nước ngoài. Thử thách đầu tiên sau khi vào Viện là 2-3 năm đầu phải tìm được học bổng ở nước ngoài học ít nhất là thạc sĩ, sau lên tiến sĩ, nếu không vượt ngưỡng này sẽ khó làm được ở Viện. Động lực tiếp theo là mỗi thành viên đều muốn đóng góp cho cải cách và phát triển. Giá trị duy nhất của chúng tôi là được người khác thừa nhận mình bởi những giá trị đóng góp cho công việc. Đề án chính sách của ai chủ trì thì tự báo cáo với các lãnh đạo cấp cao, kể cả báo cáo lên Bộ trưởng và tại các hội thảo, diễn đàn để được biết đến, thừa nhận. Tiếp đến là đề tài do ai chủ trì tự hoạch định tài chính, viện trưởng không can thiệp nhằm khuyến khích trả xứng đáng cho người làm nhiều. Đó là động lực nội sinh đến từ tìm kiếm giá trị của mình để sống”, ông Cung nhấn mạnh thêm.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo. Ảnh: Chí Cường

Cũng tại tọa đàm, các cán bộ, công nhân viên chức của Bộ cũng được nghe Giáo sư Hoàng Chí Bảo ôn lại bối cảnh lịch sử khi Bác ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Từ đó tới nay đã hơn 7 thập kỷ trôi qua nhưng nội dung, giá trị cốt lõi trong văn kiện thi đua ái quốc, gắn với cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Những giá trị luôn được Đảng đặc biệt quan tâm, kêu gọi toàn dân, toàn quân thực hiện nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ trong công cuộc phát triển đất nước thời kỳ đổi mới.

Tin liên quan
Tin khác