Ngân hàng - Bảo hiểm
Thị trường bảo hiểm: Bancassurance chưa làm nên chuyện
Ngọc Lan - 05/10/2017 07:36
Thống kê chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, tính đến hết tháng 6/2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh ngân hàng (bancassurance) đạt 1.822 tỷ đồng, chiếm 6,4% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.
Hiện tại, doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance vẫn rất khiêm tốn

“Con số này còn rất khiêm tốn nếu so với 28.309 tỷ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tại cùng thời điểm. Tuy nhiên, xét với thực tế phát triển của mảng bancassurance hiện nay, đây là mức doanh thu rất khả quan”, đại diện IAV đánh giá.

Cũng theo vị đại diện này, sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với những tên tuổi như Dai-ichi Life Việt Nam, Manulife, bên cạnh sự chuyển biến ngoạn mục của những tân binh như BIDV Metlife hay Aviva..., doanh thu từ bancassurance được dự báo sẽ có những đột phá mới.

Thực tế, thời gian vừa qua, thị trường liên tục chứng kiến những “cái bắt tay” độc quyền và dài hạn giữa các hãng bảo hiểm có thị phần lớn với các ngân hàng có mạng lưới rộng.

Chẳng hạn, vào đầu tháng 9 vừa qua, Dai-ichi Life Việt Nam và Sacombank đã ký kết hợp tác độc quyền trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm, với thời gian lên tới 20 năm. Đến cuối tháng 9, Dai-ichi Life Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng Hàng hải Việt Nam và dự kiến trong tuần này sẽ tiếp tục ký độc quyền với một ngân hàng thương mại khác. Hiện Dai-ichi Life Việt Nam đang là đối tác độc quyền 10 năm của HD Bank.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh thu phí bảo hiểm từ bancassurance đang chiếm gần 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam. Hết năm 2017,  tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ tăng lên 15%. 

Bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng là một trong những thế mạnh của Manulife Việt Nam. Bancassurance đã trở thành một kênh phân phối quan trọng, đóng góp đáng kể trong hoạt động kinh doanh của hãng bảo hiểm này, với tỷ trọng đạt 20% tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Manulife Việt Nam đồng thời là một trong những công ty bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng kênh bancassurance tốt nhất thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam hiện tại. Mới đây, Manulife Việt Nam công bố hợp tác độc quyền 15 năm với Techcombank, cùng mục tiêu khá tham vọng là đạt trên 10.000 tỷ đồng phí bảo hiểm trong vòng 5 năm tới.

Nếu như chiến lược hợp tác giữa Dai-ichi Life Việt Nam với Sacombank được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình chuẩn mực, bền vững, nhằm mang lại các tiện ích và sự hài lòng tối đa cho khách hàng - theo chia sẻ của ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam, thì thương vụ hợp tác giữa Manulife Việt Nam và Techcombank cũng được thị trường đề cao, bởi Techcombank vốn có mạng lưới rộng, kết quả kinh doanh khả quan, nhân sự quản lý có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm dày dạn…

Trước khi hợp tác độc quyền với Manulife Việt Nam, Techcombank từng là đối tác của nhiều hãng bảo hiểm và hoạt động khá hiệu quả. Cùng với đó, nhân sự phụ trách Khối Bảo hiểm của ngân hàng này là ông Chung Bá Phương (giữ chức danh Giám đốc Khối) cũng là một nhân vật “tiếng tăm” trên thị trường…

Trở lại câu chuyện dự báo sự bứt phá của mô hình bancassurance tại thị trường Việt Nam, cùng với sự vào cuộc quyết liệt hơn của cả ngân hàng và bảo hiểm, theo giới quan sát, ở cấp độ vĩ mô, sự thành công của mô hình này phụ thuộc vào khung pháp lý thuận lợi và chiến lược phát triển phát triển dịch vụ nhằm tăng doanh thu mà không cần bổ sung vốn của các ngân hàng thương mại.

Tất nhiên, với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, cùng với việc có thể tận dụng mạng lưới rộng lớn của những ngân hàng đối tác, thì lực lượng lao động phân phối có kỷ luật, quy trình hoạt động đồng bộ và tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại của ngành ngân hàng… cũng là một trong nhiều lý do để các hãng bảo hiểm đầu tư cho bancassurance.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tương tự như việc phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ, bancassurance cũng đòi hỏi phải có thời gian để thực hiện và tổng hợp kết quả. Những năm đầu tiên của sự hợp tác được dành cho việc xây dựng nền móng, tạo cơ sở hạ tầng thích hợp với mối quan hệ đối tác.

Sự tăng tốc sẽ diễn ra ở giai đoạn sau, khi mà nền móng đã vững chắc. Chính vì thế, thời hạn độc quyền dài hạn sẽ cho phép các công ty bảo hiểm đầu tư mạnh vào quan hệ đối tác, cùng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ đa dạng và phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của ngân hàng…

Tin liên quan
Tin khác