Bình Dương vẫn say giấc ngủ
Bùng nổ năm 2007, khi thời điểm thị trường bất động sản cả nước sôi động. Hàng loạt dự án ra đời trong đó dự án lớn nhất tại khu hành chính TP. Mới với hàng chục dự án từ chung cư, căn hộ liền kề tới biệt thự biệt lập… ra đời với giá bán từ 20 triệu/m2 trở lên. Bên cạnh đó là việc hình thành hàng loạt các khu công nghiệp kéo theo hàng triệu công nhân, kỹ sư nước ngoài về sinh sống làm việc càng làm thị trường trở lên nóng sốt tấp lập người mua.
Gần 10 năm sau cơn nóng sốt, thị trường bất động sản lâm vào cảnh bong bóng. Trở lại trung tâm thị trường bất động sản TP. Mới hiện nay, những dự án biệt thự, nhà liền kề được xây dựng hoành tráng thì lại bao quanh bởi cỏ lau mọc um tùm. Khu vực nhà ở liền kề khang trang sạch đẹp với hạ tầng giao thông và hàng cây xanh mướt thì vắng người dân sinh sống. Tất cả tạo ra một khung cảnh ảm đạm khiến người dân ví đây như một thành phố ma giữa khu hành chính đồ sộ.
Nhiều dự án bất động sản tại Đồng Nai ra đời hút người dân về sinh sống. Ảnh: Gia Huy |
Trong vai người muốn mua nhà tại TP. Mới, ghé vào một sàn giao dịch bất động sản tại khu nhà liền kề đường Ngô Thời Nhiệm, hai nhân viên thấy khách tới hỏi mua đất mừng rỡ giới thiệu hàng loạt những căn hộ, đất nền tới biệt thự cho phóng viên. Theo nhân viên môi giới tên Tuấn, tất cả số “hàng” đang bán là người dân gửi bán, với giá từ 10 triệu/m2 đất nền trở lên, đối với nhà phố 1 triệt 2 lầu giá bán lên tới hơn 30 triệu/m2 còn biệt thự thì giá lên tới 50 triệu/m2.
Theo nhân viên môi giới tên Hùng tại một sàn giao dịch bất động sản tên Đất Mới tại đường số 11 tại TP.Mới thì thị trường có nhiều nguồn cung, chỉ cần mua là có thể dọn vào ở nhưng không có người đến mua. Tới thời điểm này, sàn của Hùng nhận bán hộ hơn 200 khách hàng với đất nền, biệt thự, nhà liền kề đều có đủ nhưng không bán được nên giờ không nhận “hàng” của người dân có nhu cầu bán nữa, dù khách sẵn sàng trả hoa hồng cao. Ngoài ra các sàn giao dịch bất động sản ngay cổng ra vào khu công nghiệp Mỹ Phước 3, VISIP I, II… đều vắng tanh.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, giám đốc một sàn giao dịch địa ốc tại TP.Mới cho biết tình hình giao dịch nhà đất tại đây vẫn như cơn ngủ quên, mỗi tháng may lắm mới thực hiện thành công 5 giao dịch. Điều đáng chú ý là số lượng sản phẩm ký gởi bán đang tăng mạnh. Cụ thể, tuần qua sàn có trên 15 sản phẩm nhà đất được ký gởi song không có cuộc giao dịch nào thành công, chỉ có 5,6 người đến xem.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng mặc dù thị trường nhà đất ở Bình Dương vẫn đóng băng thì giá bán lại quá cao. Đồng thời việc hạ tầng giao thông phát triển mạnh nhưng lại không hút được nhà đầu tư cũng như người dân về sinh sống khiến thị trường cứ trong cơn ngủ đông không bừng tỉnh.
Đồng Nai tỉnh giấc nhờ hạ tầng
Có thể thấy, Đồng Nai may mắn hơn Bình Dương vì hạ tầng phát triển rầm rộ với hệ thống cao tốc Long Thành – Rầu Giây và chuẩn bị là Bến Lứt – Long Thành vào năm 2019 sẽ hoàn thành. Thêm vào đó là trục đường quốc lộ 1 kết nối thẳng với TP.HCM cũng như dự án sân bay quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Đặc biệt đầu năm 2016 UBND TP.HCM có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó cầu Cát Lái kết nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Đây được cho là một cú hích thị trường bất động sản bởi khi cầu Cái Lái được xây dựng, việc đi lại giữa Đồng Nai và TP.HCM sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều đã tạo ra cơn sốt thức tỉnh thị trường bất động sản tỉnh này.
Đặc biệt, xét về phương diện chung từ những năm 2007 khi sản phẩm bất động sản của tỉnh chưa phát triển mạnh, đa phần chỉ èo ọt trong những dự án đất nền phân lô tập trung vào công nghiệp thì giờ đây các khu đô thị, khu dân cư, resort, trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp, sân golf… bắt đầu nảy nở và thu hút nhà đầu tư.
Thống kê từ phòng phát triển nhà ở và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thì hiện nay tỉnh có khoảng 200 dự án bất động sản trong đó chủ yếu là dự án đất nền. Trong đó có gần 10 dự án vốn đầu tư từ vài trăm triệu USD trở lên. Đơn cử như tại TP.Biên Hoà sẽ là sự ra mắt của dự án Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng do Donacoop làm chủ đầu tư với quy mô 1.184 hecta.
Sở hữu 45km mặt tiền đường sông, với hạ tầng hoàn thiện, pháp lý rõ ràng (sổ đỏ từng nền), Khu đô thị này đang được giới đầu tư đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh phân khúc đất nền sổ đỏ đang trở thành xu hướng “hot” trên thị trường thời gian gần đây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 4/2008 thuộc Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng, TP Biên Hòa, hiện chủ đầu tư đã hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đang tiến hành xây dựng hạ tầng. Ngoài ra có thể kể đến như dự án Khu đô thị Aqua City có diện tích khoảng 305ha với tổng vốn đầu tư 519 triệu, dự án Hoa Sen Đại Phước ở xã Đại Phước, Khu đô thị mới Đông Sài Gòn, Khu đô thị mới Phước An, Khu đô thị mới Nhơn Trạch, Khu dân cư xã Vĩnh Thanh, dự án Sunflower City, dự án khu dân cư thương mại xã Long Tân - Phú Hội (huyện Nhơn Trạch)…
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Eximland cho rằng, trong khi quỹ đất của TP.HCM đang dần trở nên khan hiếm, sự sôi động của thị trường bất động sản Đồng Nai cũng là điều dễ hiểu, bởi hầu hết các dự án đều có mức giá khá mềm, kèm theo đó là các chính sách ưu đãi hấp dẫn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng nhìn chung thị trường bất động sản tỉnh Đồng Nai đang tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, do tốc độ phát triển nhanh và được đầu tư hạ tầng mạnh, bên cạnh đó là lợi thế về địa lý khi nằm liền kề với TP.HCM. Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng thị trường trong thời điểm này đang thanh lọc, người dân chọn mua dự án cần tìm hiểu những dự án có chủ đầu tư uy tín, làm ăn bài bản, quy hoạch, pháp lý rõ ràng đồng thời biết cách đầu tư làm gia tăng giá trị cho dự án của mình.