Khu công nghiệp Sông Khoai (Amata City Hạ Long) tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh có diện tích 714 ha, đến nay đã thu hút được 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 2,9 tỷ USD |
Cụ thể hóa quy hoạch
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đây là chỉ dẫn quan trọng để Quảng Ninh định vị những giá trị, cơ hội trong quá trình phát triển ở giai đoạn mới.
Để thu hút mọi nguồn lực đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, Quảng Ninh chú trọng phát triển các khu kinh tế (KKT) trọng điểm. Cụ thể, tỉnh xây dựng và phát triển KKT ven biển Quảng Yên trở thành hạt nhân, động lực tăng trưởng mới tại tuyến phía Tây; xây dựng KKT Vân Đồn trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa, có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế phát triển năng động, bền vững của tỉnh và vùng Đông Bắc, là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ.
Quảng Ninh sẽ dành quỹ đất 6.589,03 ha để phát triển 8 khu công nghiệp (KCN) mới. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 23 KCN với tổng diện tích khoảng 18.842 ha, trong đó diện tích sử dụng đất đến năm 2030 khoảng 5.904 ha. Hiện tỉnh có 16 KCN, bao gồm các KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đang trong quá trình xây dựng và các KCN đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư.
Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến năm 2045. KKT này được quy hoạch với trọng tâm phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến; gắn kết chặt chẽ với KCN - cảng biển Hải Hà tạo thành đầu mối tập kết, trung chuyển và xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh sẽ cùng với KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn phụ trợ cho KKT cửa khẩu Móng Cái đảm bảo sự xuyên suốt, duy trì các hoạt động liên tục, thúc đẩy phát triển các KKT cửa khẩu.
Với Hải Phòng - thành phố có đủ 5 hệ thống giao thông, cảng biển, thì “Quy hoạch TP. Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 giúp Hải Phòng tìm ra con đường đổi mới, phát triển hiệu quả nhất”, như phát biểu của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại Hội nghị Công bố Quy hoạch TP. Hải Phòng.
Quy hoạch sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới để đưa Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Hải Phòng hiện có 1 KKT, là KKT Đình Vũ - Cát Hải, với diện tích 22.540 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 80%. Trong 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 6.080 ha, có 9 KCN nằm trong KKT Đình Vũ - Cát Hải và 5 KCN nằm ngoài KKT.
Cũng theo quy hoạch, Hải Phòng sẽ thành lập mới 20 KCN, tổng diện tích khoảng 7.700 ha. Thành phố đang xúc tiến quy hoạch, thành lập KKT phía Nam 20.000 ha, có hạ tầng sân bay, cảng biển, khu thương mại tự do, trung tâm công nghiệp, khu đô thị, trung tâm logistics để thu hút thêm nhà đầu tư đến với Hải Phòng.
Ngày 16/7 vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nộp hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 KCN mới với tổng diện tích 1.793,9 ha, gồm các KCN: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ III, Giang Biên II và Vinh Quang - giai đoạn I.
Đặc biệt, Hải Phòng là một trong 3 địa phương được lựa chọn là địa phương điểm xây dựng kế hoạch phát triển xanh trên toàn quốc.
Tỉnh Hưng Yên cũng đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 7/7/2024. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Quy hoạch chỉ ra được những điểm khác biệt, nổi trội của Hưng Yên so với các tỉnh xung quanh, từ đó phát triển không trùng dẫm, mà liên kết, hỗ trợ lẫn nhau.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 35 KCN được quy hoạch phát triển, với tổng diện tích 12.048,63 ha. Trong đó, giai đoạn đến năm 2030 quy hoạch phát triển mới 30 KCN, tổng diện tích 9.183,53 ha; quy hoạch phát triển mở rộng 4 KCN, tổng diện tích 405,1 ha. Tổng diện tích đất quy hoạch phát triển KCN là 9.588,63 ha. Giai đoạn sau năm 2030, quy hoạch phát triển mới 5 KCN, tổng diện tích 2.460 ha.
Có thể thấy, các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng được phê duyệt là tiền đề cho sự phát triển KKT, KCN. Đó chính là cơ hội phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp tại các địa phương giai đoạn hiện tại và trong tương lai.
Đòn bẩy để thu hút đầu tư tăng nhanh
Cùng với quy hoạch chung, việc ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đóng vai trò là đòn bẩy để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Với lợi thế là cửa ngõ chính ra biển của cả khu vực phía Bắc, Hải Phòng có vị trí chiến lược, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Đặc biệt, Hải Phòng còn giữ vị trí trọng yếu trong hợp tác “Hai hành lang - Một vành đai kinh tế” giữa Việt Nam và Trung Quốc, là địa bàn có mối quan hệ chiến lược với các cực tăng trưởng lớn trong vùng Đông Á và Đông Nam Á. Tận dụng lợi thế này, Thành phố đã đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại với đường cao tốc, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế, đường sắt.
Không dừng lại ở đó, Hải Phòng tiếp tục nâng cấp và xây mới nhiều công trình để trở thành trung tâm logistics quốc tế. Năm qua, Thành phố đã tập trung triển khai một số dự án trọng điểm như: nhà ga hành khách số 2 và nhà ga hàng hóa Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; cầu Lại Xuân, cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352, dự án bến cảng số 3 - 4 và số 5 - 6 thuộc hệ thống cảng quốc tế Lạch Huyện. Hiện nay, cảng nước sâu Lạch Huyện đóng vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trong khu vực nhờ kết nối trực tiếp với các KCN trọng điểm.
Trong nửa đầu năm 2024, Hải Phòng đã thu hút 54 dự án FDI đăng ký đầu tư mới và 24 dự án FDI tăng vốn, với tổng vốn hơn 1,1 tỷ USD. Lũy kế đến ngày 20/6/2024, Hải Phòng có 1.165 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đạt 29,59 tỷ USD.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý KKT Hải Phòng cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, Ban đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút FDI được giao của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, đạt 12,56 tỷ USD/12,5 tỷ USD.
Thời gian qua, việc đẩy mạnh đầu tư công cũng giúp thị trường bất động sản công nghiệp được hưởng lợi rất nhiều. Tại Hưng Yên, việc khai thác thành công tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa phận tỉnh Hưng Yên đã thổi “làn gió” mới cho bất động sản công nghiệp của địa phương. Dọc tuyến đường này hiện đã có các KCN, cụm công nghiệp được xây dựng và hoàn thiện hạ tầng như: KCN số 5, KCN Ân Thi, KCN Sạch, KCN số 3, Cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân.
Tận dụng lợi thế là địa phương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, Quảng Ninh đã chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là giải phóng mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đầu tư vào tỉnh. Những quyết sách đúng thời điểm đã tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư. Vì thế, năm 2023, Quảng Ninh thu hút được 3,11 tỷ USD vốn FDI, tăng 42,3% so với năm 2022, là một trong những địa phương thu hút lượng vốn FDI lớn nhất trên cả nước.