Khung chính sách đã đủ
Chia sẻ bài học thành công tại các dự án Ehome và Ehome S (căn hộ dành cho các gia đình trẻ và có thu nhập trung bình) tại TP.HCM trong khuôn khổ Diễn đàn bất động sản Việt Nam 2017, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long cho biết, chỉ cần thực hiện tốt những chính sách đã công bố thì thị trường nhà giá rẻ đã đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
“Trong gần 10 năm trở lại đây, hành lang pháp lý cần thiết cho việc phát triển và quản lý nhà ở xã hội ngày càng đầy đủ và hoàn thiện. Mới nhất là Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội, tạo ra nhiều động lực mới và những thành quả bước đầu đáng khích lệ để đáp ứng nhu cầu nhà ở của xã hội. Với nhu cầu hiện tại ở Hà Nội, TP.HCM và những thành phố lớn, nhà giá rẻ làm ra đến đâu bán hết đến đó”, ông Quang nói.
Nhiều dự án thương mại hạng trung chỉ có giá trên dưới 1 tỷ đồng/căn nếu doanh nghiệp biết “lựa cơm gắp mắm” |
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai nhà ở xã hội tại TP.HCM, lãnh đạo Nam Long cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần giải đáp. Trong đó, quan trọng nhất là chính quyền địa phương hình thành và triển khai kế hoạch hành động cụ thể như: ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ; quy hoạch quỹ đất công để phát triển nhà ở xã hội; triển khai các cơ chế ưu đãi về tài chính, tín dụng và thuế cho người mua nhà và các tổ chức phát triển nhà.
Đồng thời, cần giải quyết 2 vướng mắc lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội về chi phí giải tỏa, đền bù, giải phòng mặt bằng cho các dự án và khung định mức để hạch toán các chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đấu nối cho các dự án phát triển nhà ở xã hội.
“Có một sự khác nhau giữa cách làm của Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, nhà đầu tư thường hiểu là muốn phát triển nhà giá rẻ, nhà ở xã hội, thì Nhà nước phải lo được đất sạch và phải đấu nối hạ tầng. Trong khi đó, ở TP.HCM, doanh nghiệp phải tự giải phóng mặt bằng, chi phí hạ tầng đấu nối cũng tự bỏ tiền ra hết”, ông Quang chia sẻ.
Đối với các dự án cải tạo chung cư, phát triển nhà ở xã hội, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai cho rằng, có thể thực hiện được nếu nhà đầu tư xuất phát từ tư duy đầu tư nghiêm túc và minh bạch để người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi.
Quyết tâm sẽ làm được
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) đặt câu hỏi: Vì sao việc triển khai các dự án nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ thời gian qua vẫn chậm? Phải chăng cấp chính quyền chưa quyết tâm hay sợ cái gì? Nếu chính quyền không vào cuộc, chắc chắn không làm được.
Nguồn: Bộ Xây dựng
“Ở Hải Phòng, chính quyền cho tạm ứng trước tiền từ quỹ phát triển đất để giải phóng mặt bằng, tuyên truyền đi tuyên truyền lại, cả hệ thống vào cuộc để người dân hiểu và thực hiện, chứ chỉ riêng từ góc độ pháp luật, thì chắc chắn không thể giải quyết được”, ông Khởi nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho rằng, TP.HCM không thiếu đất. Hàng trăm ngàn héc-ta đất tại nông trường Phạm Văn Hai đang để hoang phí. Tại Bình Chánh, Nhà Bè, những cánh đồng bỏ hoang, hàng trăm ngàn héc-ta dừa nước mọc um tùm… Đây là quỹ đất tốt cho việc phát triển nhà ở giá rẻ. Tại sao Thành phố không có hướng phát triển thành quỹ đất xây nhà giá rẻ?
Ông Vinh cho rằng, vì Thành phố chưa tạo cơ chế đủ thuận lợi cho nhà đầu tư, nên hàng ngàn gia đình vẫn mong chờ vào dự án nhà xã hội, giá rẻ, lãi suất thấp. Khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, trong khi chưa có gói hỗ trợ mới, thì giấc mơ sở hữu nhà của các đối tượng này cũng tan theo.
“Năm 2016, khi đánh giá về xu hướng thị trường, giới chuyên gia địa ốc nhận định, năm 2017 là thời điểm căn hộ giá trung bình sẽ thống lĩnh và sản phẩm giá rẻ sẽ tràn ngập khi có cả những tên tuổi lớn tham gia phân khúc này. Đồng thời, các gói tín dụng giá rẻ mới dành cho người mua nhà cũng sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, đã hết năm, thị trường vẫn không thấy bất cứ dự án giá rẻ mới nào xuất hiện”, ông Vinh nhấn mạnh.