. |
Ngày 12/6, UBND quận 7 tổ chức kiểm tra công tác thi công xây dựng Dự án Green Star Sky Garden ở phường Phú Mỹ, do Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư và đã lập biên bản yêu cầu ngừng thi công công trình.
Theo UBND quận 7, qua kiểm tra, dù dự án chưa được UBND TP.HCM giao đất, chưa hoàn tất thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, chưa đóng tiền sử dụng đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng khu nhà ở thấp tầng của Dự án.
Trường hợp khác là Dự án Dream Home Riverside tại quận 8, do Công ty cổ phần Nhà Mơ làm đơn vị phát triển dự án. Dự án với hơn 2.000 căn hộ, được bán theo hình thức đặt cọc giữ chỗ và thu trên 10% giá trị căn hộ theo giá bán từ cuối năm 2017, nhưng tới nay vẫn chưa thể xây dựng và ra hợp đồng mở bán. Lý do là dự án này chưa xong thủ tục pháp lý, cũng chưa được cấp phép xây dựng, chưa được mở bán theo hình thức dự án hình thành trong tương lai.
Trong khi đó, Dự án La Cosmo Residences tại đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), do Công ty cổ phần Bất động sản An Gia Hưng làm chủ đầu tư, được bán từ đầu năm 2018, nhưng đến nay vẫn trong gia đoạn thử tải móng, chưa thể xây dựng cũng như ra hợp đồng mua bán với khách hàng, bởi thủ tục pháp lý chưa xong.
Ngoài ra, Dự án Masteri Parkland tại số 628A - phường An Phú (quận 2), do Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền làm chủ đầu tư, dù chưa công bố, chưa khởi công, nhưng các sàn phân phối đã nhận đặt cọc giữ chỗ từ khách hàng.
Ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sở này đã xây dựng ứng dụng để người dân có thể kiểm tra pháp lý dự án đã được mở bán hay chưa. Đây sẽ là biện pháp để ngăn chặn tình trạng “cầm đèn chạy trước ô tô” của doanh nghiệp địa ốc hiện nay khi nhiều dự án dù chưa đủ cơ sở pháp lý, nhưng đã bán cho khách hàng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc áp dụng ứng dụng này chưa chắc triệt được tình trạng doanh nghiệp bán dự án khi chưa đầy đủ cơ sở pháp lý. Luật sư Trần Văn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, khi bán dự án, các doanh nghiệp luôn tìm cách lách luật, như họ chỉ tổ chức giới thiệu nhà mẫu, nhận đặt cọc giữ chỗ và đưa ra một số hồ sơ liên quan như quy hoạch 1/500, giấy xác nhận đang nộp hồ sơ lên UBND TP.HCM xin cấp phép pháp lý dự án…
“Còn khách hàng hiện nay vẫn đang dựa chủ yếu vào cảm tính để mua, ví dụ như chọn dự án, vị trí có tiềm năng sinh lời hay không, chủ đầu tư thế nào… Những vụ việc kiện tụng liên quan việc bán nhà trên giấy, khi được hỏi, họ luôn cho biết là không tìm hiểu dự án ở cơ quan chức năng”, luật sư Tuấn nói.
Ngoài ra, bà Bùi Thanh Tuyết, một nhà đầu tư bất động sản thứ cấp cho rằng, hiện nay, các nhà đầu tư cũng biết dự án mở bán chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ, nhưng mua trước sẽ có giá tốt và chọn được căn hộ ưng ý, có thể sinh lời nhất.
Về phía chủ đầu tư, một doanh nghiệp địa ốc lớn cho rằng, TP.HCM áp dụng ứng dụng để giúp khách hàng tra cứu thông tin là tốt. Nó giúp cho khách hàng không bị lừa khi mua phải dự án “ma”. Nhưng doanh nghiệp sẽ có phần khó khăn, bởi hiện nay, khi bán hàng, doanh nghiệp luôn thực hiện theo từng bước, như giới thiệu dự án, nhận đặt cọc giữ chỗ…
“Để hiệu quả, ứng dụng này nên cập nhập tiến độ thực hiện dự án như đã hoàn thành đền bù, đã có 1/500, đã nộp hồ sơ xin phép phát triển dự án lên UBND Thành phố… để người dân biết và doanh nghiệp cũng không bị thiệt thòi”, vị này nói.