So với thời kỳ “đỉnh cao” hàng tồn năm 2013 thì con số này giảm mạnh chỉ còn trên dưới 20%. Tuy nhiên, điều thị trường lo ngại hiện nay là tốc độ giải quyết hàng tồn kho đã chậm lại đáng kể, cho thấy đây là khối băng rất “cứng đầu”.
So với giai đoạn 2013 - 2016, ghi nhận qua con số cập nhật của chính cơ quan này cho thấy, tốc độ giải quyết hàng tồn kho giai đoạn 2017 - 2018 giảm tới vài lần khi rất nhiều dự án vì nhiều lý do nên không thể thanh lý, chuyển nhượng được sang cho các đối tác mới để tiếp tục triển khai.
Chỉ cần điểm qua những dự án “bê bết” như Vina Megastar, Tricon Tower, AZ Lâm Viên, Habico Tower Phạm Văn Đồng, Nam Đàn Plaza, B5 Cầu Diễn, Ha Noi Times Tower, Dragon Plaza, PVV Vinapharm, Usilk City… tại Hà Nội; hay Saigon One Tower, PetroVietnam Landmark Tower, 584 Tân Kiên, Kenton Node, Lacasa, DB Tower, V-Ikon… tại TP.HCM nhiều năm chưa thể giải quyết, đã có thể thấy lượng hàng tồn kho hiện nay khó xử lý như thế nào.
Từ sản phẩm dự án bị lỗi thiết kế, chọn sai phân khúc, giờ không thể thay đổi được, đến những rắc rối về pháp lý khi dự án huy động vốn trái phép, thế chấp tài sản đảm bảo không đúng quy trình… rồi chủ đầu tư bị rơi vào vòng lao lý...
Bên cạnh đó, rất nhiều dự án đã được thế chấp ngân hàng để vay vốn nhưng thủ tục phát mãi tài sản cực khó khăn hiện nay là thách thức lớn đối với việc “mở khóa” cho những dự án này vào lại thị trường.
Trong khi vấn đề hàng tồn kho cũ còn chưa được giải quyết triệt để, nhiều thay đổi liên quan đến các chính sách, đặc biệt là việc ngân hàng thắt chặt kiểm soát tín dụng, khiến thị trường đối mặt thêm một mối lo khác khi nguy cơ hàng tồn kho có thể gia tăng trở lại bất cứ lúc nào.
Kể từ giữa năm 2018, để đáp ứng theo yêu cầu của Thông tư 19/2017/TT-NHNN, nhiều ngân hàng đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, trong đó có việc cho vay đối với các hoạt động kinh doanh bất động sản.
Lãi suất huy động tăng cao, kéo theo lãi suất cho vay tăng đã "co hẹp" khả năng sẵn sàng chi trả của người mua nhà. Hệ quả, thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự điều chỉnh khá rõ nét khi ngay trong quý I/2019, cả hai thị trường Hà Nội và TP.HCM đều đánh dấu sự sụt giảm đáng kể thanh khoản, đặc biệt là phân khúc chung cư.
Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), quý I/2019 cho thấy, trong khi lượng giao dịch chung cư ở Hà Nội chỉ đạt lần lượt 30,4% và 61,7% so với quý IV/2018 và cùng kỳ 2018 thì lượng giao dịch của TP.HCM cũng đạt lần lượt 28,2% và 28,04%.
Trong khi đó, ghi nhận từ mùa ĐHCĐ năm nay cho thấy, nguồn cung bất động sản dự kiến tiếp tục gia tăng khi nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn đặt niềm tin khá lạc quan và cho biết sẽ cho ra thị trường hàng chục ngàn, thậm chí vài chục ngàn căn hộ trong thời gian sắp tới.
Số lượng dự án mới được bung ra lớn, trong đó phần lớn là các dự án bất động sản cao cấp. Trong khi đó, chủ yếu nhu cầu hiện tại của người mua là nhà ở thu nhập thấp và giá rẻ. Sự lệch pha giữa cung và cầu lớn rất có thể sẽ khiến hàng tồn kho tăng mạnh.
Nỗi lo tồn kho tăng lên không chỉ khiến các chủ đầu tư phải tìm mọi cách bán hàng với việc đưa ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, mà ngay cả các đơn vị phân phối cũng quay như chong chóng.
Trong những tháng còn lại của năm, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt trên thị trường, đặc biệt là tại những dự án nằm trong khu vực có nhiều dự án cùng phân khúc và cùng giá bán. Sức cầu là hữu hạn, do đó những dự án mới ra mắt thị trường nếu không có những điểm nhấn đặc biệt, mà chỉ là những lời mời chào chung chung, như vị trí đắc địa, hoặc ăn theo hạ tầng sẽ rất khó để cạnh tranh với những dự án vốn đã có thanh khoản cao của các chủ đầu tư có thương hiệu.
Chưa kể, nếu những dự án này còn kém trong các hoạt động truyền thông chính thống, dẫn đến việc khách hàng không đặt nhiều niềm tin về chủ đầu tư, thì khả năng ế ẩm ngay khi vừa ra mắt thị trường là rất có thể xảy ra.