Thực tế triển khai thị trường carbon tại thế giới
Tại Việt Nam, thị trường carbon là một khái niệm còn khá mới, nhưng trên thế giới, thị trường này đã hình thành gần 20 năm trước đây. Nói một cách dễ hiểu, thị trường carbon là thị trường vận hành dựa trên cung-cầu, nhưng hàng hóa trao đổi không phải các sản phẩm hữu hình, mà chủ yếu là hạn ngạch phát thải carbon hoặc tín chỉ carbon. Những mặt hàng này được giao dịch giữa các công ty hoặc tổ chức, giúp họ đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Về nguồn gốc, thị trường carbon trên thế giới hình thành sau khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực vào năm 2005. Nghị định thư Kyoto là một phần của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, yêu cầu các quốc gia phát triển và một số quốc gia đang phát triển có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính xuống dưới mức nhất định trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012.
Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Nghị định thư Kyoto cho phép các quốc gia sử dụng một số cơ chế thương mại, trong đó có loại hình giao dịch tín chỉ carbon.
Vào năm 2005, Liên minh châu Âu (EU) đã thiết lập thị trường giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên trên thế giới, chính là Hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS). Hệ thống này bao gồm 10.000 doanh nghiệp châu Âu, hoạt động trong 3 lĩnh vực phát thải nhiều khí carbon nhất ra môi trường, gồm năng lượng, công nghiệp, hàng không.
Mỗi doanh nghiệp trong EU ETS được phân bổ một lượng hạn ngạch phát thải carbon nhất định, từ đó dẫn tới hai trường hợp: Doanh nghiệp vận hành tốt, lượng phát thải carbon dưới hạn ngạch phân bổ, do vậy, doanh nghiệp còn dư một phần hạn ngạch và được phép bán phần dư đó. Ngược lại, những cơ sở kiểm soát kém, phát thải vượt qua phần hạn ngạch phân bố, bắt buộc phải mua thêm quyền phát thải từ bên bán.
EU ETS là thị trường tín chỉ carbon đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động. |
Cơ chế mua bán này giúp doanh nghiệp châu Âu có thêm nguồn thu từ hoạt động giảm phát thải CO2, tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục áp dụng các công nghệ mới hướng tới bảo vệ môi trường.
Sau EU, năm 2008, New Zealand cũng giới thiệu Chương trình giao dịch khí thải của New Zealand (NZ ETS). Khác với EU ETS, ban đầu các doanh nghiệp tham gia NZ ETS không bị áp hạn ngạch phát thải. Chính phủ New Zealand cung cấp miễn phí các tín chỉ phát thải gọi là NZU (New Zealand Unit) cho doanh nghiệp, và 1 NZU tương đương với quyền được phát thải 1 tấn CO2. Số lượng NZU cấp phát sẽ khác nhau giữa các ngành nghề.
Trong trường hợp doanh nghiệp phát thải vượt quá số lượng NZU miễn phí do chính phủ cấp, họ có thể lựa chọn mua tiếp NZU hoặc mua tín chỉ phát thải từ thị trường quốc tế để nộp lại cho chính phủ, sau đó chỉnh phủ sẽ bán lại số tín chỉ này. Chính phủ New Zealand không giới hạn lượng tín chỉ carbon phải nộp của các doanh nghiệp, vì thế, thị trường carbon của New Zealand từng được gọi là thị trường linh hoạt.
Tuy nhiên, mô hình kiểu này đã nhận về nhiều chỉ trích từ giới chuyên gia. Trong đó Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund for Nature -WWF) New Zealand mô tả NZ ETS là "một mớ hỗn độn hoàn toàn" vì không đặt ra giới hạn về tổng lượng ô nhiễm, từ đó khiến lượng khí thải tăng lên và chuyển chi phí phát thải từ những người gây ô nhiễm sang người nộp thuế.
Vì vậy, từ năm 2020, Chính phủ New Zealand đã có những điều chỉnh, chuyển sang thị trường hạn ngạch. Chính phủ New Zealand cũng áp dụng các mức phạt cho các tổ chức không hoàn thành nghĩ vụ về thu thập số liệu hoặc cố tình chỉnh sửa sai sót thông tin báo cáo.
Tại châu Á, nhiều thị trường carbon hoạt động dưới hình thức hạn ngạch đã được hình thành, như thị trường carbon Hàn Quốc (Republic of Korea ETS) vào năm 2015; thị trường carbon Trung Quốc (China National ETS) vào năm 2021.
Với Nhật Bản, nước này chưa thiết lập thị trường carbon bao phủ toàn quốc; tuy nhiên, thủ đô Tokyo và tỉnh Saitama đã xây dựng và vận hành thị trường carbon suốt nhiều năm qua, cụ thể lần lượt vào tháng 4/2010 và tháng 4/2011. Hai thị trường được liên kết và có thể tiến hành trao đổi lẫn nhau.
Trong các thị trường carbon kể trên, các doanh nghiệp được chính phủ “điểm tên” sẽ bắt buộc phải tham gia hệ thống thương mại phát thải (Emission Trading Scheme-ETS). Ở đây, chính phủ có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các hạn ngạch, tín chỉ, giấy phép phát thải một lượng carbon nhất định (thường được quy định là 1 tấn CO2) trong một khoảng thời gian. Bên phát thải chỉ có quyền phát thải tương đương với số lượng hạn ngạch, tín chỉ hoặc giấy phép đang sở hữu. Các doanh nghiệp phát thải quá giới hạn sẽ phải mua hạn ngạch, tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại. Những thị trường như vậy gọi là thị trường bắt buộc.
Hàng trăm thị trường carbon tự nguyện đang hoạt động trên khắp thế giới. |
Song song với thị trường carbon bắt buộc, còn một dạng khác là thị trường carbon tự nguyện, nơi các doanh nghiệp, tổ chức tự nguyện đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Các tổ chức và cá nhân tham gia thị trường tự nguyên, về bản chất, không bị ràng buộc bởi quy định pháp luật. Họ tự nguyện mua tín chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải của mình, thường nhằm mục đích nâng cao uy tín hoặc thực hiện cam kết bền vững.
Thống kê từ tổ chức Đối tác hành động carbon quốc tế ICAP (International Carbon Action Partnership) cho thấy trên thế giới, có 36 thị trường carbon bắt buộc. Trong khi đó số lượng thị trường carbon tự nguyện không thể đếm hết được.
Nếu hàng hóa chính được giao dịch trên thị trường bắt buộc là hạn ngạch phát thải (có thể cho phép sử dụng một lượng nhỏ tín chỉ carbon, thường 5-10%), thì hàng hóa chính giao dịch trên thị trường tự nguyện là tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một chứng nhận cho phép chủ sở hữu phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc các khí nhà kính tương đương khác. Tín chỉ carbon có thể được cấp phát khi doanh nghiệp, tổ chức thực hiện các dự án giảm thiểu phát thải, như trồng rừng, bảo tồn rừng, năng lượng tái tạo, hoặc các công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon. Đơn vị kiểm định, phát hành tín chỉ carbon là các tổ chức độc lập, trong đó có 3 tổ chức phổ biến, uy tín nhất hiện nay là Verra (VCS - Verified Carbon Standard), Gold Standard và American Carbon Registry (ACR).
Khuyến nghị hình thành thị trường tín chỉ carbon cho Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế
Hiện nay, các cơ quan chức năng Việt Nam đang gấp rút nghiên cứu hoàn thiện hệ thống quy định, chính sách, hạ tầng, nền tảng cho thị trường carbon, để tiến hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 và đưa vào vận hành chính thức trong năm 2028.
Tuy nhiên, xây dựng thị trường carbon trong bối cảnh là quốc gia đi sau, Việt Nam cần những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia cho rằng, khi xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon ở Việt Nam, trong đó có sàn giao dịch tín chỉ carbon, các cơ quan chức năng cần quan tâm một số vấn đều sau:
Thứ nhất, xây dựng các nguyên tắc sử dụng tín chỉ carbon, nguyên tắc giao dịch cũng như các đối tượng tham gia giao dịch tín chỉ carbon. Chính phủ Việt Nam nên xem xét xây dựng các quy định pháp lý liên quan đến việc cấp phát, giao dịch và quản lý tín chỉ carbon. Các quy định này nên được dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, như VCS (Verified Carbon Standard) và Gold Standard, nhằm đảm bảo tính minh bạch và uy tín của các tín chỉ carbon được phát hành. Kinh nghiệm từ EU ETS cho thấy, một khung pháp lý vững chắc là cơ sở để phát triển thị trường và thu hút đầu tư.
Sàn giao dịch tín chỉ carbon Việt Nam sẽ hoạt động thử nghiệm vào năm 2025. |
Thứ hai, đưa ra các quy định, hướng dẫn cụ thể về cách đo lường, kiểm kê khí nhà kinh. Điều kiện để vận hành thị trường cũng như các sàn giao dịch tín chỉ carbon là các doanh nghiệp phải biết mình đang thiếu hay thừa lượng phát thải carbon, từ đó biết mình cần mua thêm hay có thể bán ra ngoài tín chỉ carbon. Muốn xác định chính xác lượng khí thải carbon thừa/thiếu, các cơ quan quản lý cần khẩn trương đưa ra đầy đủ các quy định về hướng dẫn đo lường, kiểm kê để doanh nghiệp biết chính xác lượng khí thải thực tế của doanh nghiệp.
Thứ ba, khuyến khích đầu tư vào các dự án bền vững. Để tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, chính phủ cần có các chính sách khuyến khích đầu tư vào các dự án bền vững. Điều này có thể bao gồm các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, hoặc các cơ chế bù đắp cho các doanh nghiệp tham gia vào việc giảm phát thải. Kinh nghiệm từ các thị trường cho thấy, việc tạo ra các chính sách khuyến khích hợp lý có thể thu hút nguồn lực đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và công nghệ sạch.
Thứ tư, tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức. Để thị trường tín chỉ carbon hoạt động hiệu quả, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ đến người dân. Chính phủ nên tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về tín chỉ carbon và các lợi ích của việc tham gia vào thị trường. Học hỏi từ kinh nghiệm của các nước như Canada và New Zealand, việc nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho các bên liên quan sẽ giúp thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả hơn.
Thứ năm, cần cơ chế xử phạt thích hợp. Bên cạnh xây dựng khung chính sách về thị trường carbon và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp giảm phát thải, chính phủ cần ban hành các cơ chế xử phạt với những doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về giảm phát thải. Khi có nguy cơ bị xử phạt, các doanh nghiệp sẽ có động lực hơn để đầu tư vào công nghệ sạch, cải tiến quy trình sản xuất và thực hiện các giải pháp bền vững.
Cuối cùng, cần chú ý hoạt động giám sát và báo cáo. Việc thiết lập một hệ thống giám sát và báo cáo hiệu quả là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong thị trường tín chỉ carbon. Chính phủ nên xây dựng cơ chế giám sát liên tục đối với các doanh nghiệp, dự án phát thải ra môi trường, cũng như yêu cầu các tổ chức tham gia thị trường phải báo cáo định kỳ về tình hình phát thải và việc mua bán tín chỉ carbon.
Kinh nghiệm từ EU ETS cho thấy, một hệ thống giám sát chặt chẽ giúp duy trì tính uy tín của thị trường và đảm bảo rằng các mục tiêu giảm phát thải được thực hiện đúng cách.