Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán 17/2: An bình phiên đáo hạn phái sinh, YEG tăng trần phiên thứ hai liên tiếp
M.H - 17/02/2022 15:02
Phiên đáo hạn phái sinh đầu tiên của năm Nhâm Dần diễn ra an bình, VN-Index thậm chí còn đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày 1.507,99 điểm, bỏ xa mốc 1.500 điểm.

Mở cửa phiên giao dịch, các chỉ số chính cùng xanh nhẹ sau phiên ATC, dòng tiền “mua hụt” phiên chiều qua đẩy VN-Index tiến dần lên mốc 1.500 điểm.

Sau phiên tăng tưng bừng ngày hôm qua, dòng tiền nóng đổ vào nhóm cổ phiếu Penny, Midccap bị chững lại và có nguy cơ nguội dần. Tâm lý cẩn trọng phiên đáo hạn phái sinh khiến nhà đầu tư lưỡng lự xuống tiền. Các cổ phiếu trụ, cổ phiếu Bluechips trở lại là đầu kéo cho toàn thị trường.

Rổ VN30 ghi nhận sắc xanh áp đảo, PLX tăng trở lại với mức tăng 1.200 đồng/cổ phiếu lên 60.200 đồng/cổ phiếu, VJC tăng 1.300 đồng/cổ phiếu lên 140.500 đồng/cổ phiếu.

Phiên hôm nay đánh dấu sự trở lại của nhóm “cổ phiếu vua” - ngân hàng, đóng vai trò là các mã kéo thị trường bật mạnh: BID, TCB, CTG, VCB, VIB… Cùng hợp lực với ngân hàng là nhóm thép với sắc xanh mạnh mẽ tại HPG, HSG, NKG, VGS…

Nhóm cổ phiếu dầu khí có sự hồi phục, bên cạnh PLX thì PVD, PVS, BSR, OIL hay POW cũng tăng điểm.

Tuy vậy lực kéo không đủ mạnh khi VN-Index chỉ áp sát và lình xình dưới mốc 1.500 điểm.

HAG giao dịch ở mức tham chiếu 11.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng hiện đạt khoảng 8,68 triệu cổ phiếu.

Bộ ba "họ nhà Vin" phân hoá khi VHM đứng ở mức tham chiếu 80.000 đồng/cổ phiếu, VRE xanh nhẹ lên mức 34.350 đồng/cổ phiếu còn VIC giảm 600 đồng/cổ phiếu về mức 82.300 đồng/cổ phiếu.

Phiên ngày hôm nay cổ phiếu YEG gây chú ý sau thông cổ đông lớn cổ đông lớn DFJ VinaCapital Venture Investment Ltd, tổ chức có liên quan đến ông Hoàng Đức Trung, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Yeah1 đăng ký bán toàn bộ 3,05 triệu cổ phiếu YEG đang sở hữu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 22/2 đến ngày 23/3, theo phương thức thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, tổ chức này sẽ giảm sở hữu tại YEG từ 9,74% xuống còn 0% và không còn là cổ đông lớn của Yeah1.

Phản ứng với tin trên cổ phiếu YEG đã tăng trần trong phiên ngày hôm qua và tiếp tục được đẩy trần trong phiên hôm nay, hiện dư mua ở mức giá trần 21.900 đồng/cổ phiếu.

YEG từng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán với mức đỉnh 343.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/06/2018, nhưng sau sự cố với YouTube vào đầu năm 2019, cùng với tình hình kinh doanh bết bát, cổ phiếu YEG đã lao dốc và bị đưa vào diện kiểm soát do 2 năm liên tiếp là năm 2019 lỗ 385,33 tỷ đồng và năm 2020 lỗ 181,59 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính mới công bố, năm 2021, YEG có lợi nhuận sau thuế đạt mức gần 28 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả lợi nhuận tăng vọt, YEG cho biết năm 2021 đã ghi nhận khoản doanh thu tài chính lên tới 360 tỷ đồng từ việc bán công ty con.

Được biết, vào cuối tháng 12/2021, ông Đào Phúc Trí, Tổng Giám đốc YEG đã bán ra 1,15 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 4,78% về còn 1,1% vốn điều lệ; Chủ tịch YEG là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng bán ra gần 3,7 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 24,72% về còn 12,9% vốn điều lệ. Ở chiều ngược lại, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, "ái nữ" của Chủ tịch Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh đã mua vào để nâng sở hữu YEG ở mức 14,33% vốn điều lệ

Cơ cấu cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Yeah1 (YEG)

Sau giao dịch, bà Trần Uyên Phương hiện là cổ đông cá nhân nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất tại YEG với khoảnng 1,481 triệu cổ phiếu.

Kết phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng nhẹ lên 1.493,97 điểm; HNX-Index giảm nhẹ xuống 428,58 điểm, UPCoM-Index tăng nhẹ lên 112,07 điểm. Thanh khoản toàn thị trường vào gần 13.000 tỷ đồng.

Bước sang phiên chiều, lực mua có sự cải thiện đẩy cả 3 chỉ số lên mức cao, vào khoảng 13h40, VN-Index đạt mốc 1.500,48 điểm, tăng  8,38 điểm tương ứng 0,56%, khối lượng giao dịch đạt gần 450 triệu cổ phiếu với giá trị 13.810 tỷ đồng.

HNX-Index cũng lấy lại sắc xanh khi giao dịch ở mức 429,96 điểm, UPCoM-Index ở mức 111,96 điểm. Thanh khoản ba sàn đạt khoảng 17.483,43 tỷ đồng.

Trong rổ VN30, trừ BVH, REE, VIC, NVL giảm điểm các mã còn lại đều được sang tay ở mức giá xanh. Đầu tầu tăng giá là GAS với mức tăng 2.100 đồng/cổ phiếu lên 116.600 đồng/cổ phiếu rồi MSN với mức tăng 1.900 đồng/cổ phiếu lên 160.000đồng/cổ phiếu, PDR tăng 1.300 đồng/cổ phiếu lên 91.500 đồng/cổ phiếu hay VJC tăng 800 đồng/cổ phiếu lên 140.000 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục bứt phá sau khi tạo đà từ phiên sáng. Trong khi nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục phân hóa.

Kết thúc phiên giao dịch 17/2, VN-Index đóng cửa ở mức 1.507,99 điểm, tăng mạnh 15,89 điểm, tương ứng mức 1,064%. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 616 triệu đơn vị, tổng giá trị 19.463 tỷ đồng.

Diễn biến VN-Index phiên ngày 17/2

HNX-Index đóng cửa ở mức 430,24 điểm, tăng 1,11 điểm, tương ứng mức 0,26%. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 69,54 triệu đơn vị, với tổng giá trị 2.098 tỷ đồng.

Diễn biến HNX-Index phiên ngày 17/2

UPCoM-Index đóng cửa ở mức 112,42 điểm, tăng 0,62 điểm, tương ứng mức tăng 0,55%. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt 60,92 triệu đơn vị, với tổng giá trị 1.201,39 tỷ đồng.

Phiên ngày hôm nay khối ngoại đã mạnh tay giải ngân vào các mã KDC, DXG, KBC, GEX, GMD, STB, HNG, KDH, POW, VCB; bên cạnh đó họ bán mạnh tại các mã FLC, ROS, CTG, HCM, VIC, PVT, DIG, VSC, VNM, LDG.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm; VN30F2202 đáo hạn tăng 19,2 điểm tương ứng +1,26% lên 1.540,2 điểm, khớp hơn 132.600 đơn vị, khối lượng mở hơn 18.700 đơn vị.

Tin liên quan
Tin khác