Ông Lê Hải Trà, phụ trách điều hành HĐQT HOSE cho biết, trong cuộc xúc tiến với nhà đầu tư Nhật tuần tới, nhiều doanh nghiệp niêm yết trên Sở sẽ có cuộc làm việc “one-one” với các đối tác tiềm năng để tìm cơ hội hợp tác xứng tầm.
Bắc cây cầu kết nối nhà đầu tư chiến lược
Theo ông Lê Hải Trà, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết tìm kiếm nhà đầu tư ngoại được Sở thực hiện từ nhiều năm nay theo phương thức thúc đẩy các cuộc gặp gỡ song phương giữa các bên, để hiểu và chọn lựa đối tác. Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tokyo ngày 21-24/8, nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết trên Sở như Vinamilk, Sabeco, Vingroup, FPT, Vietjet sẽ cùng các tổ chức, doanh nghiệp khác như SCIC, DATC, VIID… gặp gỡ nhà đầu tư lớn tại đây để tìm cơ hội cho câu chuyện hợp tác, gia tăng giá trị mới trong tương lai.
Thống kê của HOSE cho biết, trong nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất tại đây (VN30), tỷ lệ sở hữu bình quân của khối ngoại là 22%. Khối ngoại thể hiện rõ mong muốn đầu tư và đầu tư sâu hơn vào doanh nghiệp Việt Nam thông qua con số về giá trị mua ròng (500 triệu USD kể từ đầu năm).
Cùng với đó, trên các diễn đàn góp ý chính sách, câu chuyện về nới rộng tỷ lệ đầu tư, nâng hạng thị trường hay đưa cùng quy chuẩn về kế toán quốc tế, đã được các nhà đầu tư lớn, như Dragon Capital, VinaCapital, PXP… nhiều lần nêu lên. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp có nhu cầu, còn doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn gọi dòng vốn lớn, những hoạt động xúc tiến đầu tư được coi như những “cây cầu” kết nối các bên.
Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết, một số tổ chức tài chính trung gian hàng đầu như SSI, HSC, VNDS, VietcombankSC, VPBS… cũng sẽ có mặt trong sự kiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản. Trực tiếp tham gia Đoàn công tác tại Nhật tuần tới, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS cho biết, Công ty có mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư tổ chức cho MBS và cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
MBS mang khát vọng lớn, sau năm 2018, sẽ hướng đến mục tiêu Top 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất thị trường và trở thành đơn vị chủ lực về kinh doanh trong hệ thống của MB Group.
Để thực hiện được, ngoài sự nỗ lực tự thân, Công ty cần có sự hợp sức của các đối tác không chỉ có năng lực tài chính, mà còn có kinh nghiệm quản trị, điều hành, công nghệ, thị trường và khả năng phát triển như các nhà đầu tư Nhật Bản.
Sự khởi sắc của TTCK Việt Nam kể từ đầu năm đến nay tạo nên sức hấp dẫn tự nhiên cho các dòng vốn.
Theo ông Trần Hải Hà, với mức tăng trưởng 16% kể từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam được đánh giá là một trong 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á. Bởi vậy, chứng khoán Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn từ khối nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản.
Đánh giá về mức hấp dẫn của thị trường Việt Nam so với thị trường khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Tổng giám đốc MBS cho rằng, mỗi thị trường có mức rủi ro và khả năng sinh lời riêng, nhưng TTCK Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn, bên cạnh mức rủi ro cũng lớn hơn so với các thị trường phát triển.
"Nhiều nhà đầu tư đã thắng lớn trong 6 tháng đầu năm nay, các quỹ đầu tư cũng có những mức sinh lời khoảng 30% chỉ trong 6 tháng. Trong khi đó, những thị trường phát triển như Nhật thì không thể nào có được mức sinh lời này”, ông Hà nói.
Thống kê của HOSE cho biết, trong vòng 1 năm qua, nhiều chỉ số cổ phiếu ngành có sự tăng trưởng mạnh. Trong đó, chỉ số cổ phiếu ngành chăm sóc sức khỏe đã tăng 65%; chỉ số ngành công nghiệp tăng 27%; chỉ số ngành tiêu dùng tăng 26%; ngành tài chính tăng 23%...
Trong khi đó, chỉ có nhóm cổ phiếu ngành năng lượng bị ghi nhận giảm mạnh, giảm 30,7%. Thực tế này cho thấy, xác suất thành công trong đầu tư chứng khoán cao hơn thua lỗ. Chính hiệu quả từ thị trường sẽ là yếu tố quan trọng dẫn dắt các nhà đầu tư trung và dài hạn đưa vốn vào Việt Nam. Cùng với đó, dòng vốn ngắn hạn của các quỹ đầu tư, ETFs cũng đã và sẽ vào theo khi họ nhận thấy cơ hội lớn hơn rủi ro.