Câu chuyện của người tiên phong
Rời FPT năm 2011 khi tròn 50 tuổi, tên tuổi cựu Tổng giám đốc FPT Nguyễn Thành Nam hiện gắn liền với trường đại học trực tuyến đầu tiên của Việt Nam mang tên FUNiX.
Tại Hội nghị Đầu tư năm 2017 có chủ đề Đột phá tư duy kinh doanh vừa qua, ông Nam chia sẻ, thời điểm mới thành lập, FPT đã sớm nhận ra tiềm năng của ngành công nghệ. Khi đó, muốn tìm hiểu về phần mềm, công nghệ số, lựa chọn tối ưu nhất là sang Mỹ, bởi đây được xem là quê hương của công nghệ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Công ty nhận thấy mô hình của Mỹ có những điểm chưa phù hợp để áp dụng tại Việt Nam. Vì vậy, FPT chuyển hướng sang phía Đông và lựa chọn Ấn Độ để học hỏi.
Có thể nói, việc nhanh chóng thay đổi tư duy kinh doanh đã phần nào tạo dựng nên FPT ngày hôm nay.
Từ câu chuyện này, ông Nam rút ra bài học, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp công nghệ không chỉ là công nghệ, mà còn là con người – những bộ não đảm đương việc triển khai toàn bộ hoạt động. Doanh nghiệp muốn đột phá thì phải xuất phát từ “tài sản” quan trọng nhất này.
Chính điều này cũng mở đường cho việc tham gia vào lĩnh vực giáo dục sau này của FPT với việc thành lập trường đại học tư nhân đầu tiên và với riêng ông Nam là trường đại học trực tuyến đầu tiên.
Theo ông Nam, không riêng Việt Nam, tại nhiều quốc gia, trong đó có các nền kinh tế phát triển, nhiều trường đại học có quy mô rộng lớn, thiết bị hiện đại đang vắng bóng học sinh. Do đó, ông hướng đến mô hình đại học không giảng đường và kiến thức được trau dồi thông qua phương pháp đặt câu hỏi. Mỗi sinh viên sẽ được các người thầy, người cố vấn (mentor) giải đáp thắc mắc trong khả năng của họ.
Đến nay, FUNiX đã thu hút được hơn 1.500 sinh viên theo học với hơn 200 mentor. Một số ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, loại hình đào tạo này sẽ trở thành trường đại học tương lai. Đó là đại học internet, có chất lượng Mỹ nhưng học phí của các nền kinh tế đang phát triển.
Đến câu chuyện của các cổ phiếu giáo dục trên sàn
Những câu chuyện như FUNiX cho thấy, nhà đầu tư hoàn toàn có cơ hội khi “đặt cược” vào doanh nghiệp nhóm ngành giáo dục. Nhưng thực tế, các cơ hội đó vẫn chưa xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, trên thị trường chứng khoán có khoảng hơn 20 doanh nghiệp nhóm ngành giáo dục, nhưng phần lớn thuộc lĩnh vực xuất bản và kinh doanh văn hóa phẩm. Ngoại trừ trường hợp Đại học Tân Tạo thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Tân Tạo và Đại học FPT của Công ty cổ phần FPT, số trường đại học tư nhân tại Việt Nam hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay và chưa có đại học nào “mạnh dạn” trở thành một doanh nghiệp đại chúng niêm yết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến giáo dục hiện nay rất hiếm trên sàn. Thực tế, một số mô hình ứng dụng nền tảng công nghệ vào việc học tiếng Anh hay tự học đã được hiện thực hóa như một mô hình kinh doanh, nhưng hầu hết mới chỉ là ý tưởng khởi nghiệp với quy mô khiêm tốn và chưa mô hình nào tạo được dấu ấn.
Riêng với các doanh nghiệp trên sàn, dù hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng nhưng tình trạng kém thanh khoản đang là một trong những nút thắt khiến nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với nhóm cổ phiếu này.
Ngoại trừ cổ phiếu DST của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Nam Định, với thanh khoản trung bình trong 30 phiên gần đây khoảng 1 triệu cổ phiếu/phiên, còn lại hầu hết các cổ phiếu khác như DAE của Công ty cổ phần Sách giáo dục, SAP của Công ty cổ phần In sách giáo khoa TP. HCM, EID của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáp dục Hà Nội và SED của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam đều có giao dịch “lèo tèo” chỉ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ, không có nhiều đột biến khiến sự hấp dẫn của nhóm ngành vơi đi đáng kể.
Chưa kể, để thu hút người tiêu dùng nhằm tăng doanh thu và lợi nhuận, các công ty cần đa dạng sản phẩm, có thêm những sản phẩm sáng tạo, giá trị. Đây là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư có thể nhìn ra được tiềm năng của nhóm cổ phiếu này. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó không phải là chuyện dễ và một sớm một chiều, nhất là khi tư duy của đa phần doanh nghiệp đều đang thích sự ổn định.
Mặt khác, trong xu thế mới với sự phát triển của công nghệ, nếu mô hình đại học trực tuyến như FUNiX được nhân rộng, doanh thu và lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp giáo dục truyền thống sẽ đứng trước nguy cơ bị “hẹp dần” bởi nhu cầu sách vở, trang thiết bị có thể sẽ giảm.