Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Định giá cao, vì sao vẫn tăng mạnh?
Thu Hương - 19/01/2018 10:15
Phiên 17/1, chỉ số VN-Index cũng như VN30 lao dốc, trong bối cảnh hệ số P/E ở mức cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực và tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động giao dịch ký quỹ (margin) dự kiến sẽ được nâng từ 50% lên 60%. Nhìn lại nguyên nhân khiến TTCK tăng trước đó có thể giúp dự báo thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh mạnh hay là không.

Một số ý kiến cho rằng, khi tỷ lệ được vay giảm, có thể sẽ áp dụng từ tháng 2 tới, phản ứng tất yếu của các nhà đầu tư là giảm tỷ lệ margin về mức an toàn, nên việc thị trường điều chỉnh trước áp lực bán ra là tất yếu.

Trước đó, thị trường bước vào năm 2018 tiếp tục có diễn biến tăng điểm, sau khi VN-Index tăng tổng cộng 48% trong năm 2017. Thông tin khả quan về kết quả kinh doanh quý IV/2017 và kế hoạch 2018 của các doanh nghiệp niêm yết là một trong những yếu tố chính giúp thị trường duy trì đà tăng.

Có những ý kiến cảnh báo rằng, định giá TTCK Việt Nam không còn hấp dẫn, nhưng cảnh báo này đã không tác động nhiều đến nhà đầu tư.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho biết, VN-Index kết thúc năm 2017 với mức tăng 48%, thuộc Top cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Nỗi lo bong bong hay tăng nóng của một bộ phận nhà đầu tư không phải không có lý. Nỗi lo này thậm chí có căn cứ hơn khi so sánh chỉ số P/E. Mức P/E trung bình của khu vực là 16,2 lần, trong khi P/E của TTCK Việt Nam là 17,5 lần.

Tuy nhiên, MBKE cho rằng, những thống kê số học về mức tăng cao có phần đột biến và định giá cao hơn trung bình khu vực chưa thực sự phản ánh đúng bản chất của TTCK Việt Nam trong năm 2017.

Cụ thể, trong Top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất tại HOSE, VIC, MSN và ROS tăng giá lần lượt là 92%, 105% và 60% trong năm qua, đóng góp hơn 17% trong tổng mức tăng 48% của toàn thị trường. Nói cách khác, nếu loại bỏ phần tăng điểm từ bộ ba này thì kết quả tăng của VN-Index vào khoảng 29%, không còn quá cách biệt với phần còn lại của khu vực.

Thêm vào đó, P/E 4 quý gần nhất của nhiều cổ phiếu trong Top 10 như ROS, VIC, MSN và SAB theo số liệu của Bloomberg ở mức rất cao, lần lượt là 176 lần, 62 lần, 44 lần và 39 lần. Loại bỏ ảnh hưởng từ 4 cổ phiếu này thì P/E tại HOSE sẽ rơi về khoảng 15 lần.

Đặc biệt, TTCK Việt Nam có “đặc sản” mà các nước khác không có, đó là Nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn và thị trường đang trên đà hướng đến việc nâng hạng.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), từ năm 2011, UBCK đã ban hành quyết định về margin, áp dụng tỷ lệ cho vay 60:40, nhà đầu tư phải có 60% vốn, công ty chứng khoán cho vay 40%. Đây là quy định hợp lý, theo thông lệ quốc tế. Thời kỳ thanh khoản thị trường thấp, UBCK đã có biện pháp kích thích bằng cách để tỷ lệ ký quỹ theo mức 50:50. Hiện nay, dòng tiền trên thị trường tốt lên rất nhiều, UBCK đang tiến hành lấy ý kiến thị trường về việc trả tỷ lệ ký quỹ về 60:40. Quy định mới về margin khi được ban hành sẽ chỉ ảnh hưởng đến khoản vay mới phát sinh sau ngày có hiệu lực, mà không ảnh hưởng đến các khoản vay đã giải ngân trước đó.
Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, chỉ số chứng khoán tiếp tục tăng, bỏ qua những khuyến cáo về P/E trung bình của thị trường cao, bởi đầu tư chứng khoán là kỳ vọng vào tương lai.

Nhà đầu tư tiếp nhận những thông tin về dự kiến lợi nhuận 2018 của doanh nhiệp khiến định giá cổ phiếu ở thời điểm hiện tại trở nên hấp dẫn. Chẳng hạn, tháng trước, Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) và Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG) đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, tiết lộ kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, theo đó P/E của hai cổ phiếu này chỉ khoảng 6 -7 lần. Đây là lý do chính khiến cổ phiếu tiếp tục thu hút dòng tiền.

Hay cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đạt mức giá kỷ lục 28.000 đồng/cổ phiếu khi tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là 1.350 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận mỗi cổ phần (EPS) là 3.800 đồng. Sau phiên giảm giá ngày 17/1, giá cổ phiếu HSG giảm còn 25.500 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E 6,5 lần.

Cổ phiếu AGR của Công ty Chứng khoán Agriseco đang được hưởng lợi nhờ danh mục đầu tư tăng giá trở lại. Từ mức giá 4.500 đồng/cổ phiếu cuối năm ngoái, AGR đã phục hồi, hiện dao động quanh 6.000 đồng/cổ phiếu. Theo giới phân tích, với triển vọng kinh doanh khả quan, cổ phiếu AGR có thể tiến gần đến mệnh giá trong năm nay.   

Một cổ phiếu đi ngược xu hướng tăng của thị trường trong thời gian qua là HDC của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, giá ngày 17/1 là 14.750 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ đầu tháng 8/2017.

Cổ phiếu này được nhận định sẽ là một trong những cơ hội đầu tư tốt, khi Công ty xây dựng kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 130 tỷ đồng, tương đương EPS 2.300 đồng, P/E khoảng 6 lần.

Ông Lê Viết Liên, Phó tổng giám đốc HDC chia sẻ, Công ty tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.

Cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tăng giá mạnh trong hai phiên đầu tuần này là do kỳ vọng kết quả kinh doanh quý IV/2017 và năm 2018. Có thông tin cho biết, HNG đang đàm phán với hệ thống siêu thị Vincom để đưa sản phẩm trái cây sạch vào hệ thống này.

"Thông tin về kết quả kinh doanh quý IV/2017 và kế hoạch 2018 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ giúp nâng đỡ thị trường", một chuyên gia nhận định sau phiên điều chỉnh ngày 17/1 và cho rằng, bức tranh chung của thị trường hiện nay là P/E quá khứ cao, nhưng vẫn có triển vọng. Việc thị trường điều chỉnh sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm giải ngân vào các cổ phiếu đang được định giá thấp khi nhìn vào tương lai 1 năm tới.

Tin liên quan
Tin khác