Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Dòng tiền lớn dẫn dắt thanh khoản
Phan Hằng - 26/10/2020 15:08
Dòng tiền F0 có một phần không nhỏ chảy từ các doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, kinh doanh, tìm đến kênh chứng khoán sinh lời tạm.

Nhận diện dòng tiền lớn

Kênh sản xuất, kinh doanh khó khăn do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp tìm “cửa” đầu tư tài chính để “tạm” kiếm lời, trang trải cho bộ máy vận hành. Đây là một trong những đối tượng được xem là nhà đầu tư F0, nhưng được xếp vào hàng “tay to” trên sàn, góp phần đưa thanh khoản tăng cao.

Từ đầu tháng 10 đến nay, khối lượng giao dịch bình quân/phiên tăng mạnh trong bối cảnh không có thông tin tác động mang tính đột biến nào xuất hiện trên thị trường.

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất và Nghị định 121/2020/NĐ-CP cho phép rộng cửa cho các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối tăng vốn được coi là những động lực chính giúp dòng tiền hào hứng, đẩy thanh khoản tăng.

VN-Index đã tăng 3,74% từ đầu tháng 10 đến nay, trong đó VN30 tăng hơn 5,54%. Về thanh khoản, tháng 10, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân/ngày tính trong rổ VN-Index tăng 44,4% so với mức bình quân ở quý III vừa qua. Rổ VN30 có thanh khoản tăng 76,1%.

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà thuộc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư SSI nhìn nhận, các kênh đầu tư quan trọng như gửi tiết kiệm, bất động sản, trái phiếu… đang trở nên kém hấp dẫn, nên thị trường cổ phiếu trở thành kênh đầu tư sáng hơn và nguồn tiền rẻ phần lớn đang tập trung tại đây.

Hiện chưa có con số thống kê chính xác về dòng tiền rẻ chờ vào cổ phiếu và lượng tiền từ các tài khoản mở mới, nhưng có thể cảm nhận được việc này thông qua một số chỉ báo trong báo cáo tài chính của khối công ty chứng khoán.

Tại SSI, tài sản tài chính đăng ký giao dịch tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư lên đến 51.059 tỷ đồng ở thời điểm 30/9/2020, tăng 3.000 tỷ đồng, còn lượng tiền gửi khách hàng lên đến 4.102 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ.

Tại HSC, tài sản tài chính đăng ký giao dịch tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư là 26.593 tỷ đồng, tăng 4.763 tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng là 1.833 tỷ đồng, cũng cao gấp đôi so với cùng kỳ.

Ở khối công ty chứng khoán có vốn ngoại, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam - đơn vị đang có dư nợ cho vay lớn nhất thị trường, đang có 1.787,7 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền của khách hàng, gấp 3,84 lần cùng kỳ.

Mirae Asset Việt Nam cũng đang ghi nhận tài sản tài chính niêm yết/đăng ký giao dịch tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán của nhà đầu tư là 15.455 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, tài sản tài chính của nhà đầu tư là 9.199 tỷ đồng, tăng 1.800 tỷ đồng, tiền gửi của khách hàng 1.277 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ 279 tỷ đồng…

Diễn biến tương đồng ở nhiều công ty chứng khoán khác cho thấy, lượng tiền mới vào mạnh và dòng tiền mới nhiệt tình tham gia đầu tư (thể hiện qua giá trị tài sản của khách hàng mà công ty chứng khoán quản lý - khách hàng nộp tiền mua cổ phiếu gia tăng).

Thứ bậc thanh khoản

Các nhà đầu tư đều biết về tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng khi chấp nhận điều này, xu hướng mua với kỳ vọng đón đầu cơ hội phục hồi và doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tốt hơn ở năm sau lại trở nên phổ cập.

Một trong những đối tượng gia nhập đội ngũ F0 là chính các doanh nghiệp, vốn có chức năng chính là sản xuất, kinh doanh.

Ghi nhận của người viết, trên báo cáo tài chính bán niên của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC) lần đầu tiên xuất hiện khoản đầu tư chứng khoán hơn 193 tỷ đồng, trong đó giải ngân 87,3 tỷ đồng vào cổ phiếu MWG, 28,6 tỷ đồng vào cổ phiếu FPT và 23,6 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG.

Cuối kỳ, Vĩnh Hoàn cũng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào MWG hơn 4,9 tỷ đồng. Có 3 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục của Vĩnh Hoàn là VNM, FPT và HPG.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư tài chính là có thật trong lúc sản xuất - kinh doanh suy thoái.

Trong quá trình tiếp xúc với khách hàng, ông cho biết, khá nhiều doanh nghiệp gồm cả niêm yết và chưa niêm yết, thay vì chia sẻ vấn đề về phát triển doanh nghiệp, thì họ muốn đề cập nhiều hơn đến các câu chuyện nên chọn mã nào để “tạm” đầu tư.

Bên cạnh nét mới của dòng tiền F0 đến từ các doanh nghiệp, giao dịch của các nhà đầu tư chuyên nghiệp (tự doanh của công ty chứng khoán hay khối ngoại) xoay chủ đạo theo hướng cơ cấu lại danh mục, tập trung vào hàng bluechips, VN30..., chứ không có việc rút vốn khỏi thị trường.

Hiện nay, nhiều công ty đầu ngành công bố kết quả quý III với các thông tin tương đối tích cực, đã góp phần hỗ trợ giá cổ phiếu.

Trong vùng tâm lý hưng phấn chung, các thông tin phi lợi nhuận từ doanh nghiệp hay chính sách vĩ mô, cũng dễ dàng kích hoạt tâm lý nhà đầu tư, thúc thanh khoản tăng mạnh.

Thanh khoản thị trường còn được góp sức bởi dòng vốn margin do công ty chứng khoán cung cấp. Tổng dư nợ margin trong nhiều quý gần đây duy trì ở mức 55.000 - 57.000 tỷ đồng.

Dòng tiền lớn chủ đạo thường đến từ lãnh đạo doanh nghiệp thông qua các công cụ hàng và tiền. Những người hiểu chuyện đều biết rằng, tiền của nhà đầu tư nhỏ, lẻ không thể đẩy thị trường lên cao liên tục.

Hiện nay, thống kê sơ bộ các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý III cho thấy, dư nợ cho vay (chủ đạo là dư nợ cho vay margin) khoảng 66.000 tỷ đồng - mức kỷ lục kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam. Dư nợ cho vay tăng, nhưng sức cung cấp của công ty chứng khoán còn dồi dào.

Những nhà đầu tư kinh nghiệm nhìn nhận, dòng tiền rẻ có hai cách chảy trên sàn chứng khoán.

Chảy trực tiếp là vào thẳng tài khoản giao dịch, còn chảy gián tiếp là cho vay thông qua dạng hợp đồng hợp tác với bên thứ ba. Hiệu ứng chính sách là cú huých cho dòng tiền tham gia mạnh hơn, cũng là cơ sở để các nhà tạo lập thị trường (market maker) “làm việc”.

Cụ thể là thu xếp các dòng tiền lớn (tài khoản lớn, có thể kết nối để “cầm” lượng hàng lớn đủ sức tác động đến xu hướng chỉ số) dẫn đường cho dòng tiền đại chúng chảy theo.

Dòng tiền lớn chủ đạo thường đến từ lãnh đạo doanh nghiệp thông qua các công cụ hàng và tiền. Những người hiểu chuyện đều biết rằng, tiền của nhà đầu tư nhỏ, lẻ không thể đẩy thị trường lên cao liên tục.

Về phía cung, hàng (là cổ phiếu) chủ yếu từ lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông nội bộ, từ các quỹ đầu tư và từ hàng tự doanh của công ty chứng khoán.

Về phía cầu (tiền), đến từ tiền thật trong tài khoản của nhà đầu tư và lượng cho vay margin luôn sẵn sàng rộng mở theo nhiều cách.

Dòng tiền lớn thường đổ theo các “game” lớn, như thấy ở các cổ phiếu trụ nhóm Vingroup, MSN, HPG…, còn dòng tiền nhà đầu tư cá nhân có đặc trưng là chảy nhanh qua các nhóm cổ phiếu “tầm tầm”.

Quan sát từ đầu đại dịch cho thấy, nhiều nhóm cổ phiếu cứ luân phiên tăng điểm. Những nhóm có sóng tăng dài như ngân hàng, như bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công…

Nhóm có sóng nhanh như dệt may, thủy sản, thủy điện, nhóm này thường tăng không quá mạnh, hoặc chỉ một số cổ phiếu đơn lẻ trong ngành tăng mạnh vài phiên rồi dừng, chứ chưa tạo nên xu hướng rõ ràng. Điều này được lý giải là do không có dòng tiền lớn dẫn dắt.

Điểm đặc trưng là dù luân chuyển nhanh hơn, nhưng các cổ phiếu được dòng tiền chảy qua không bị giảm sâu, cũng nhờ các nhà đầu tư cá nhân mua bán liên tục, hoặc mua rồi giữ và mua thêm cổ phiếu.

Hiện tượng này có nguyên nhân từ việc dòng tiền tổng thể trên thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu rút ra và liên tục cải thiện.

Tính thanh khoản cao, các lệnh đặt mua và bán nhanh chóng được thực hiện thành công với mức giá kỳ vọng, nên dòng tiền tích cực xoay vòng để tìm kiếm cơ hội, chứ không bị vơi đi theo thời gian.

Nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán theo nhiều trường phái khác nhau. Người thì đầu tư giá trị, người chọn đầu tư tăng trưởng, người chọn theo xu hướng…

Công ty cổ phần Tài chính công nghệ EnCapital cho rằng, quan sát hướng đi của dòng tiền gần đây sẽ thấy độ “chịu chơi” của dòng tiền mới với nhóm cổ phiếu tăng nóng.

Dòng tiền mới mạnh bạo giải ngân ở bất cứ giá nào, chỉ cần cổ phiếu có dấu hiệu còn sóng.

Thực tế trong đầu tư, sự vận động của dòng tiền không có đúng, sai ngoài việc nhìn tăng trưởng của giá trị danh mục cụ thể.

Ở ngưỡng 950 điểm của VN-Index, kênh đầu tư chứng khoán bước vào giai đoạn khó lựa chọn cơ hội và mọi quyết định đều cần nhanh chóng mới mong không bị kẹp trạng thái.

Tin liên quan
Tin khác