Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, “tảng băng” này cần được sử dụng hợp lý hơn thông qua việc thúc đẩy giao dịch vốn nhà nước như giao dịch của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa và thoái vốn, cũng như hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước hiện nay?
Hiện nay, chúng ta đang cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng một chiều, ví dụ như trong cổ phần hóa và thoái vốn, hầu như chỉ bán đi rồi thôi, cái gì chưa bán thì đọng ở đấy, không hiệu quả.
Tôi tham dự hội nghị các doanh nghiệp niêm yết hàng năm, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư cho rằng, phần vốn của Nhà nước trên thị trường chứng khoán hiện chiếm khoảng 1/3 giá trị cổ phần trên thị trường chứng khoán, song gần như hoàn toàn “đóng băng”, chỉ khi nào bán ra thì xả một loạt, xong rồi đứng im không có mua bán, giao dịch. Người mua rất muốn mua, nhưng đành chịu, thực sự rất không hiệu quả dưới góc độ của nhà đầu tư.
Ðiều này cho thấy tư duy cải cách của ta rất cứng. Vốn nhà nước cũng là đồng vốn, làm sao gia tăng hiệu quả đồng vốn là mục tiêu đặt ra hiện nay trong hoạt động quản lý và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Song để làm được điều này, yếu tố đầu tiên đặt ra là cải cách doanh nghiệp nhà nước phải mang tính động, chứ không thể chỉ duy trì trạng thái tĩnh như hiện nay.
Ðể làm được điều này, có lẽ đòi hỏi phải có một tư duy và cách giám sát hoàn toàn mới?
Thực tế hiện nay đặt ra rất nhiều trường hợp, ví dụ như ta đã bán đi cổ phần của một cảng khi cổ phần hóa, giờ ta muốn mua lại thì tại sao lại không mua được.
Ðiều này cũng cần mạnh dạn nêu ra vấn đề, quan điểm để thảo luận làm sao giai đoạn từ nay đến 2030 là cơ hội để ta thảo luận rộng ra theo những hướng đi mới.
Khi có bước cơ sở ban đầu là thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mục tiêu của Việt Nam coi đây là một nhà đầu tư thì cần có hoạt động đầu tư, tức là phải có mua đi bán lại.
Làm sao phải gia tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn tốt nhất và cần nhìn nhận như một nhà đầu tư, chúng ta không phải là một nhà đầu tư thụ động chỉ đi bán lại, mà bán xong là hết. Mà giờ đây, người ta rất sợ bán, bán xong là hết.
Ví dụ như SCIC, nếu không có sự đổi mới theo hướng động thì cứ theo chiều hướng này, từ giờ trở đi, có phần vốn nào của Nhà nước bán dần mòn, bán hết bán xong là chấm dứt hoạt động. Quan điểm mới cần nghĩ tới cách tư duy động, chủ động điều tiết đầu tư trên thị trường.
Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Ðể làm được việc đầu tư vốn nhà nước như nhà đầu tư chuyên nghiệp, chắc chắn phải giải quyết được câu chuyện minh bạch.
Bởi cứ cái gì dẫn đến cải cách doanh nghiệp nhà nước, sử dụng ngân sách nhà nước và liên quan đến tài sản nhà nước đều có dư địa để xảy ra hành vi thông đồng chiếm đoạt tài sản nhà nước, hoặc chiếm dụng vốn nhà nước.
Ðể làm được điều này, cơ quan quản lý vốn nhà nước lớn nhất hiện nay là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải có năng lực, có tầm nhìn và quan trọng nhất là thay đổi cách nhìn nhận, giám sát mới hy vọng làm được.
Ðơn cử, với vụ ACV, việc đặt vấn đề mua lại cổ phần trong bối cảnh hiện nay thì không thể giải thích được rõ ràng mục tiêu vì sao lại mua lại.
Còn nếu giải quyết được bài toán này, việc mua đi bán lại là chuyện bình thường của nhà đầu tư trước một cơ hội đầu tư. Tôi nhìn thấy cơ hội kinh doanh và tính toán mua cái này lại thì các lợi ích khác cần chứng minh được, còn nếu muốn giao lại dự án về cho nhà nước thì bản chất lại không phải vấn đề.