Và nếu không có tín hiệu gì đột biến thì trọn tháng đầu năm này, niềm vui chưa thể đến với ngành chứng khoán. Tháng đầu năm giông bão là chỉ báo cho diễn biến khó lường của chứng trường 2016.
Một sự quan ngại không nhỏ vẫn còn đó, đến từ diễn biến phức tạp của chứng khoán quốc tế, hay như sự phân hóa kết quả kinh doanh rất khác nhau của mỗi ngành nghề…, khiến việc lựa chọn thời điểm và danh mục đầu tư cho năm nay trở lên khó khăn hơn.
Hệ lụy chưa được đề cập nhiều khi khả năng kiếm lời trên TTCK không còn dễ dàng là sự rút lui của nhà đầu tư nhỏ lẻ, những thành viên chủ chốt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường chỉ hấp dẫn khi có kẻ thắng người thua, còn nếu đa số là thua thì… dễ nói!
Nếu số đông mà “về nhà” thì sân chơi chỉ còn những “gương mặt thân quen”, dễ nhàm chán. Dòng tiền cho thị trường sẽ ngày một suy kiệt.
Số nhà đầu tư thua lỗ đã gấp 2,6 lần số nhà đầu tư có lãi.
Một thị trường chứng khoán phát triển bền vững không thể trông chờ vào các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này đã được dựng thành “chân lý”, và nếu ai không tin có thể nhìn sang thị trường nước láng giềng Trung Quốc cũng đang lao đao với hiệu ứng “bầy đàn”.
Cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực để có thể thu hút dòng vốn ngoại, phát triển các định chế đầu tư, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. 16 năm qua, thị trường vẫn được “nuôi sống” bằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ, từ các công ty chứng khoán tới doanh nghiệp niêm yết. Và có thể còn nhiều năm tới vẫn vậy.
Các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam có lẽ cũng vào hàng top về dễ tính, vẫn bỏ tiền đầu tư dù cơ chế giao dịch chưa thuận lợi, đôi khi bị môi giới lạm dụng tài khoản, vẫn đóng thuế thu nhập dù thua lỗ,…
Sự lạc quan có thể giữ được lửa thị trường bao lâu?