Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Khó kỳ vọng dòng vốn mới cuối năm
Quỳnh Lê - 15/08/2020 15:25
TTCK Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn, từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biến động chính trị trên thế giới tới sức khỏe tài chính và triển vọng lợi nhuận của DN thời gian tới.

Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, khó có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại và dòng vốn mới đổ vào TTCK Việt Nam trong giai đoạn cuối năm 2020.

“Việt Nam là điểm đến đầu tư tương đối hấp dẫn so với các nước trong khu vực cũng như so với các nước nhóm thị trường cận biên trong 20 năm vừa rồi, cũng như 10 - 15 năm tới. Thu hút dòng vốn ngoại khá tốt, nhưng thị trường Việt Nam cũng chịu áp lực rút vốn của nhà đầu tư ngoại khá quyết liệt mỗi khi khủng hoảng xảy ra”, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia chứng khoán nhận định

Dẫn số liệu thống kê khối ngoại rút ròng khoảng 20.000 tỷ đồng từ đầu năm tới nay, nếu không tính giao dịch mua thỏa thuận liên quan VHM, ông Tường cho rằng, có hai yếu tố dẫn đến dòng tiền ngoại bị rút về.

Yếu tố thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn để giải quyết các vấn đề nội tại. Yếu tố thứ hai, bản thân các nhà đầu tư toàn cầu phải đánh giá lại rủi ro tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh các thị trường khác đều sụt giảm, đồng thời tái cơ cấu lại danh mục.

Cũng theo chuyên gia này, trong 2 - 3 năm qua, Việt Nam là thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại nhờ yếu tố vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, lúc này, các quỹ trên toàn cầu cũng đang gặp nhiều khó khăn sau biến cố Covid-19 nên sẽ phải cân nhắc nhiều về việc gia tăng đầu tư vào các thị trường như Việt Nam.

“Bản thân các quỹ đầu tư toàn cầu đang cố gắng chữa lành những vết thương của họ. Trong thời gian tới, mọi việc phải ổn định lại thì họ mới nghĩ tới việc tái cơ cấu danh mục, cũng như nghĩ tới việc có tăng tỷ trọng cho thị trường cận biên như Việt Nam hay không”, ông Tường nói.

Điểm sáng đáng chú ý trong động thái của khối ngoại thời gian qua là có một số thương vụ đầu tư giá trị lớn như Quỹ Kohlberg Kravis Roberts (KKR) đầu tư vào Vinhomes (VHM), hay GIC (quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore) đầu tư vào Masan.

Theo ông Tường, trong thời gian tới, có thể sẽ xuất hiện những thương vụ tương tự nhưng dòng tiền này tác động không quá rõ ràng tới thị trường và nhà đầu tư cá nhân sẽ chỉ hưởng lợi mang tính chất ngắn hạn, chứ không bền vững.

Trong bối cảnh hiện tại, dòng vốn ngoại ít nhất sẽ không rút ra quá nhiều, song cũng khó có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại lớn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Về dòng tiền nội, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc đầu tư PVIAM nhận định, ngay cả khi lãi suất tiếp tục giảm, khó có thể kỳ vọng dòng tiền mới từ các nhà đầu tư đổ mạnh vào thị trường trong giai đoạn sắp tới. Việc lãi suất thấp sẽ khó thúc đẩy những người không chuyên rút tiền đổ vào chứng khoán và nếu có cũng không nhiều.

Lãi suất giảm và mặt bằng giá chứng khoán thấp vào cuối tháng 3 đã thu hút và hình thành lực lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0).

Các nhà đầu tư mới tham gia khá tích cực thể hiện qua việc số tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt, thanh khoản bùng nổ và tỷ trọng giao dịch nhà đầu tư cá nhân trong tháng 6 đạt đỉnh trong nhiều năm.

Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, việc thị trường hồi phục mạnh trong giai đoạn vừa qua khiến mặt bằng định giá không còn rẻ và khó kích thích nhà đầu tư mới tham gia như trước.

Thị trường lúc này đang thiếu động lực đủ mạnh để hút dòng tiền, từ chính sách cho tới yếu tố đột phá từ nội tại doanh nghiệp.

Mặt bằng lãi suất thấp cũng cho thấy doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chỉ những cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững, chi trả cổ tức ổn định mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

“Khó có dòng tiền mới, nhưng tôi hy vọng sẽ có những quỹ mới được thành lập theo kiểu quỹ chuyên nghiệp, quỹ đầu tư cổ phiếu, quỹ đầu tư trái phiếu… có thể hút tiền từ những người gửi tiền tiết kiệm. Phải phát triển mạnh kênh trung gian tài chính này, chúng ta mới thực sự kéo được tiền từ kênh tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán”, ông Linh nói.

Tin liên quan
Tin khác