Tổng quy mô bán ròng từ đầu năm khoảng 12.200 tỷ đồng, tương đương 2% giá trị họ nắm giữ và là đợt bán ròng lớn nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, con số này vẫn không đáng kể. Tại Thái Lan, giá trị bán ròng gần 3,6 tỷ USD và gấp 10 lần Việt Nam. Tại Malaysia, con số này cũng gấp khoảng 6 lần giá trị rút ròng của khối ngoại ở Việt Nam.
Dịch bệnh khiến các thị trường chứng khoán lớn của châu Á chịu áp lực bán ròng nặng. Nhật Bản dẫn đầu trong danh sách này khi bị rút gần 50 tỷ USD, trong khi con số này tại Đài Loan và Hàn Quốc lần lượt là 17,9 tỷ USD và 16 tỷ USD. Một số thị trường khác như Ấn Độ, Indonesia, Phillipines cũng chứng kiến tình trạng khối ngoại bán tháo ồ ạt và xô đổ các kỷ lục rút vốn trước đó.
Xu hướng xả hàng chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cả năm phiên và rút hơn 1.000 tỷ đồng trong tuần qua. Cuối tuần là phiên bán ròng thứ 14 liên tiếp. Nhưng chuỗi này có thể đã dài hơn nhiều nếu 33 phiên bán ròng cuối tháng trước không bị ngắt.
Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng khoảng 76% giá trị bán ròng từ đầu năm đến từ các quỹ tương hỗ (mutual fund). Tiếp đến các quỹ ETF chiếm 11,5%, còn lại nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài lần lượt là 9,1% và 3,2%.
Bản chất của đợt rút ròng này tương đối khác so với nửa cuối năm 2019. Khi đó, khối ngoại cũng rút vốn nhưng được dẫn dắt bởi xu hướng bán tài sản tại các thị trường cận biên. Việc thoái vốn mang tính cấu trúc tại các thị trường có khả năng sinh lợi kém và thiếu sự đa dạng hóa, trong khi nhà quản lý quỹ vẫn lạc quan về câu chuyện dài hạn của Việt Nam.
Một điểm dễ nhận thấy khi khối ngoại bán ròng trong quá khứ là VN-Index chỉ tạo đáy và hồi phục bền vững khi xu hướng này kết thúc, hoặc trừ khi có động lực riêng như thông tin thoái vốn của SCIC, cổ phần hoá doanh nghiệp, cổ phiếu dầu khí dẫn dắt đà đi lên theo giá dầu...
Nhóm phân tích Công ty chứng khoán KB Việt Nam nhận định khả năng đồng tiền hạ nhiệt nhờ chính sách của Chính phủ Mỹ và Fed có thể là yếu tố kiềm chế đà bán. Chính sách kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước cũng đóng góp không nhỏ, nhưng do dư địa nới lỏng không còn lớn như giai đoạn hậu khủng hoảng 2008 nên tác động sẽ bị hạn chế. Điều này khiến các yếu tố vĩ mô khó trở thành động lực chính giúp đảo ngược xu hướng rút ròng tại Việt Nam cũng như các nước trong khu vực.
"Việc thiếu vắng những thông tin hỗ trợ trong nước ở giai đoạn này khiến áp lực bán ròng chỉ có thể suy giảm khi dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, có thể vào cuối tháng 6", nhóm phân tích này dự báo.
Các chuyên gia ước tính, khối ngoại đã chịu lỗ khoảng 29% khi bán trong thời gian qua. Tuy nhiên, đặc thù của dòng tiền từ quỹ là vào nhanh ra mạnh, phản ánh tức thì và rõ nét xu hướng của thị trường nên khả năng trở lại khi tình hình ấm lên cũng rất cao.