Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Lo lắng bao trùm ngay đầu tuần mới
Hạc Hiên - 22/09/2020 10:02
Liệu thị trường đã có lý do để bán xuống khi những lo ngại gia tăng trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 21/9.

Các ngân hàng toàn cầu đang chìm trong các cáo buộc về một vụ bê bối rửa tiền, những lo lắng về làn sóng Covid-19 thứ hai và sự trì hoãn các biện pháp kích thích tài khoá do căng thẳng chính trị tại Mỹ gia tăng sau cái chết của bà Ruth Bader Ginsburg, thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ.

Cái chết của bà Ginsburg đã tạo thêm một yếu tố bất ổn mới cho cuộc đua Tổng thống Mỹ vốn đã đang trong giai đoạn căng thẳng. Việc bổ nhiệm những ứng cử viên tiềm năng mới đang gây tranh cãi, căng thẳng chính trị tiếp tục gia tăng và đây là điều bất ngờ đối với thị trường.

Theo Deutsche Bank, có một số tin tốt và một số tin xấu đối với các nhà đầu tư thời điểm hiện nay.

“Kết thúc quý III, chúng tôi ước tính GDP toàn cầu đang quay trở lại một nửa so với mức tiền đại dịch. Và mức phục hồi của kinh tế quay lại mức tiền đại dịch sẽ rơi vào giữa năm tới, sớm hơn một vài quý so với dự báo trước đó của chúng tôi”, Peter Hooper, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu cho biết trong bản cập nhật báo cáo “Triển vọng thế giới” vừa phát hành.

Peter Hooper cũng dự báo tốc độ phục hồi sẽ chậm lại khi virus lây lan trong những tháng mùa Đông và đặc biệt là các gói tài khoá sẽ chưa xuất hiện trước ngày bầu cử. Nhưng đến mùa Hè năm sau, nhóm chiến lược gia dự đoán vắc xin sẽ được tiêm chủng rộng rãi, điều này làm tăng khả năng miễn dịch và tăng tốc độ phục hồi kinh tế.

Giả sử có một loại vắc xin thành công, nhóm chiến lược gia cho biết, 3/4 dân số thế giới có thể được tiêm chủng vào giữa năm 2023.

Bên cạnh mặt tích cực, các chiến lược gia của Deutsche Bank cũng nhận thấy một cuộc khủng hoảng tài chính đang rình rập, với nguyên nhân là “việc định giá tài sản quá cao và mức nợ ngày càng tăng” được thúc đẩy bởi các nỗ lực kích thích chính sách tài khóa và tiền tệ lớn.

Hooper và nhóm chiến lược gia cho biết: “Các cuộc khủng hoảng tài chính thường xảy ra trong quá khứ trong những điều kiện như vậy bởi sự chuyển đổi không thể tránh khỏi từ chính sách nới lỏng sang chính sách thắt chặt, điều này có thể vẫn còn ít nhất vài năm nữa, nhưng có thể gây bất ngờ sớm hơn”.

Các chiến lược gia vẫn thận trọng đối với cổ phiếu và các tài sản rủi ro khác do định giá, nhắc lại mục tiêu cuối năm của S&P 500 là 3.250 điểm, thấp hơn một chút so với mức mà số đông đồng thuận. Và bên cạnh đó, chính trị cũng là một mối đe dọa lớn hơn mà một số người đang hình dung.

“Chúng tôi nhận thấy nhiều rủi ro đáng kể khi không có giải pháp nhanh chóng và rõ ràng cho cuộc bầu cử lần này, với tỷ lệ phiếu bầu gửi qua thư có thể chưa từng có và sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một cuộc bầu cử tranh chấp”, báo cáo cho biết.

Tin liên quan
Tin khác