Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, xu thế mới đang manh nha xuất hiện và ngày càng rõ nét là xu thế chốt lời sớm vào tháng 4 |
Đây cũng là thời điểm Đại hội đồng cổ đông thường niên được các doanh nghiệp đồng loạt tổ chức, thông tin về mục tiêu, chiến lược phát triển của doanh nghiệp được cung cấp nhiều ra thị trường.
Theo diễn tiến thông thường, khi các thông tin được công bố một cách dồn dập trong tháng 4, tháng 5 sẽ đến với những khoảng trống lớn về thông tin. Thực tế này dễ xảy ra sự điều chỉnh mạnh về giá cổ phiếu, nhất là với các mã trước đó đã tăng nóng nhờ thông tin mục tiêu năm, cũng như những thành quả quý I mà doanh nghiệp đạt được.
Vì thế, cụm từ “Sell in May and go away”, tạm hiểu là “Tháng 5, nên chốt lời và thoát khỏi thị trường” từ lâu đã trở nên quen thuộc trên nhiều thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, một xu thế mới đang manh nha xuất hiện và ngày càng rõ nét, đó là xu thế chốt lời sớm tháng 4 vào các thời điểm báo cáo tài chính quý I của doanh nghiệp niêm yết được công bố.
Với xu thế này, các nhà đầu tư thường mua trước các cổ phiếu được dự báo sẽ có kết quả kinh doanh tốt trong quý I (dựa vào việc phân tích triển vọng doanh nghiệp của năm vừa qua, Báo cáo thường niên, Báo cáo Hội đồng quản trị…) và tiến hành chốt lời mạnh ngay khi giá cổ phiếu tăng đến mức nhất định, nhưng trước thời điểm các thông tin về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận quý I của doanh nghiệp được tung ra.
Xu hướng trên có thể tạm gọi là “Sell in April” và là xu thế chủ đạo trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ năm 2013 đến nay. Xu thế này thể hiện rõ nhất trong năm 2018 sau khi thị trường sụt giảm mạnh từ đỉnh lịch sử 1.204,33 điểm được thiết lập vào ngày 9/4/2018 với đà sụt giảm mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số mã lớn như VNM, MSN… sau khi các mã này đã tăng nóng vào các tháng đầu năm 2018.
Diễn biến VN-Index trong các tháng 4 từ năm 2013 - 2018 |
Liệu “Sell in April” có tái hiện trong năm 2019?
Nếu nhà đầu tư đã từng trải qua một năm 2018 đầy cảm xúc khi thị trường chứng khoán Việt Nam lần đầu tiên vượt qua mức đỉnh lịch sự 1.179,32 điểm thiết lập vào 12/3/2007, thì ngay sau đó sụt giảm mạnh liền 2 tháng (tháng 4 và 5/2018), nhà đầu tư sẽ có thêm bài học rằng, sự thận trọng là tiên quyết khi đầu tư trên thị trường.
Năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 15% kể từ mức đáy ngắn hạn được xác lập vào ngày 4/1/2019, dòng tiền tập trung ở nhóm bluechip cũng như nhóm cổ phiếu VN30. Tuy nhiên, thị trường tăng trong mong manh. Hơn 1 tuần trước, chứng khoán Việt Nam đã sụt liền 25 điểm khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều không đi đến kết quả. Dù sự kiện không liên quan gì đến thị trường chứng khoán, nhưng việc dễ dàng phản ứng mạnh như vậy cho thấy, rủi ro trong đầu tư đến từ các yếu tố bên ngoài là rất cần tính đến.
Trong thời gian tới, hàng loạt sự kiện sẽ diễn ra có thể ảnh hưởng đến tâm lý và diễn tiến thị trường chứng khoán Việt Nam, chẳng hạn cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (dự kiến vào ngày 19 và 20/3), sau đó là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung (dự kiến vào ngày 27/3)…, triển vọng thị trường chứng khoán tháng 4 vì thế trở nên mong manh, khó đoán hơn và không loại trừ khả năng về một “Sell in April” tiếp tục tái hiện trong năm 2019 này.