Chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi đã tăng 21% kể từ mức đáy ngày 25/10/2022, theo số liệu của Refinitiv. Thông thường, mức tăng 20% kể từ đáy gần nhất được xem là đã bước vào thị trường giá tăng (bull market).
Đà tăng gần đây xuất hiện sau chuỗi thời gian không lấy làm dễ chịu kéo dài từ tháng 2/2021 tới cuối tháng 10/2022, khi chỉ số MSCI các thị trường mới nổi đã lao dốc hơn 40%. Năm ngoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục nâng lãi suất, củng cố sức mạnh của đồng USD, hút tiền từ các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi.
Các quỹ đầu tư tập trung vào thị trường mới nổi chứng kiến dòng tiền rút ròng ở mức kỷ lục trong năm 2022 và bắt đầu hồi phục kể từ tháng 11/2022 cho tới nay, với kỳ vọng quá trình nâng lãi suất sẽ đảo ngược.
David Hauner, chiến lược gia tại Bank of America Securities cho biết, các thành viên thị trường kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay ở mức thấp hơn so với năm ngoái, cũng như so với các dự báo được đưa ra trước đó.
Các tài sản đầu tư tại thị trường mới nổi, bao gồm cổ phiếu, tiền tệ và trái phiếu thường có xu hướng tăng trưởng tốt hơn khi môi trường lãi suất tại Mỹ ở mức thấp, đồng USD yếu và ngược lại, nhóm tài sản này trở nên kém hấp dẫn hơn, khi lãi suất tại Mỹ cao, USD tăng giá mạnh.
Một vấn đề khác là chính sách tiền tệ của Mỹ thường có tác động lớn tới khả năng tăng trưởng của các tài sản đầu tư tại thị trường mới nổi. Paul McNamara, Giám đốc đầu tư tại GAM Investments cho biết, tương tự các tài sản rủi ro, cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi đón nhận lực tác động từ chính sách của Fed.
Dù vậy, trong năm 2023, nhà đầu tư đang lạc quan một cách thận trọng với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Việc Trung Quốc gia tăng sản lượng đầu ra sẽ tác động tích cực tới các thị trường mới nổi, bởi đây là nơi cung cấp hàng hoá và các nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các thị trường.
Chứng khoán Trung Quốc, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số MSCI Các thị trường mới nổi cũng đã tăng mạnh kể từ mùa thu năm ngoái: Chỉ số MSCI theo dõi thị trường Trung Quốc đã tăng hơn 45% kể từ ngày 31/10/2022 cho tới nay, theo số liệu của FactSet. Trong khi đó, chỉ số CSI 300 (bao gồm 300 cổ phiếu loại A và loại B tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến) cũng tăng 23% trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, theo David Hauner, chiến lược gia tại Bank of America Securities, nếu chỉ nhìn vào tín hiệu lạm phát và lãi suất, nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi có thể lạc quan quá đà. Theo đó, vấn đề cần theo dõi sát là diễn biến của nền kinh tế Mỹ, nhất là khi đang cận kề cuộc suy thoái gần nhất trong một thập kỷ.