2 ẩn số lớn nhất đối với thị trường chứng khoán là hướng dẫn cụ thể về nới room ngoại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tiến trình đàm phán TPP, đã bật sáng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Không ngoài vòng xoáy
9 tháng qua, tâm điểm của thị trường là những diễn biến vĩ mô không mấy thuận lợi như giá dầu lao dốc kỷ lục, có thời điểm xuống dưới 40 USD/thùng, chỉ bằng một nửa so với dự toán của ngành dầu khí. Giá nhiều loại hàng hóa khác sụt giảm mạnh trước sức ép từ đồng USD tăng giá và nhu cầu sụt giảm.
Sau cú sốc giá dầu là cú sốc từ TTCK Trung Quốc và những biến động tỷ giá trong nước do tác động từ sự điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ và các đồng ngoại tệ trong khu vực cũng như trên thế giới. Và gần đây nhất, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn thời điểm nâng lãi suất và khủng hoảng nợ tại Hy Lạp gây tác động tâm lý xấu đến nền kinh tế thế giới.
Một diễn biến đáng chú ý là việc khối ngoại bán ròng thời gian gần đây. Theo thống kê, vốn ngoại hoạt động kém tích cực so với 2014 không chỉ xảy ra trên TTCK Việt Nam mà cả với các TTCK khu vực. Cụ thể, trên TTCK Việt Nam, trong tháng 8 và 9, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện bán ròng; trong khi đó, khối này cũng duy trì trạng thái bán ròng tại Thái Lan từ tháng 6 đến nay; trong tháng 8, 9 tại Indonesia và từ tháng 4 đến nay tại Philippines.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh cũng đã ảnh hưởng đến thị trường với các con sóng cổ phiếu ngân hàng. Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được giảm theo đúng kế hoạch (về dưới 3%), đồng nghĩa với các ngân hàng đang dần trở lại giai đoạn lợi nhuận tăng trưởng tốt. Tất nhiên, điều này diễn ra không đồng đều ở tất cả các ngân hàng.
Nhìn vào diễn biến giao dịch của thị trường từ đầu năm đến nay có thể thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng vận động tốt nhất trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, nhóm này tăng gần 60%, tiếp theo là nhóm bảo hiểm, khoảng 50%.
Ô tô và phụ tùng, hàng cá nhân và gia dụng, truyền thông, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu, công nghệ thông tin, hàng và dịch vụ công nghiệp, hóa chất cũng có mức tăng khá tốt. Ở chiều ngược lại, các ngành giảm gồm du lịch và giải trí, điện nước, xăng dầu và dầu khí, y tế, bán lẻ, tài nguyên cơ bản.
Quý IV, kỳ vọng từ nới room và TPP
Trong quý IV, những yếu tố ảnh hưởng đến TTCK tiếp tục là diễn biến kinh tế Trung Quốc, khả năng Fed nâng lãi suất, biến động của chỉ số PMI… Tuy nhiên, 2 ẩn số lớn nhất đối với thị trường, là hướng dẫn cụ thể về nới room ngoại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tiến trình đàm phán TPP, đã bật sáng.
Theo đó, triển vọng nới room đối với một số ngành đang có những diễn biến tích cực. Các ngành như chứng khoán, xây dựng, bất động sản, dệt may, phân phối bán lẻ nhiều khả năng sẽ nới room lên 100%; đối với ngành cảng biển, dược phẩm là 49%. Riêng đối với ngành ngân hàng - kinh doanh lĩnh vực đặc thù, nên còn chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành, vì thế, thông tin nới room đối với ngành này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa rõ ràng.
Đối với TPP, ngày 5/10 vừa qua, bộ trưởng của 12 nước tham gia TPP đã tuyên bố kết thúc vòng đàm phán. Điều này đồng nghĩa TPP sẽ sớm được ký kết, mở ra cơ hội đối với nhiều ngành, lĩnh vực của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến là dệt may hưởng lợi nhờ giá nguyên liệu giảm, ngành cảng biển hưởng lợi từ gia tăng xuất nhập khẩu…
Ngoài ra, những cổ phiếu của các ngành như chứng khoán với động thái thực hiện nới room ngoại; ngành ngân hàng: kết thúc tái cơ cấu ngành, triển vọng phục hồi cùng nền kinh tế; ngành bất động sản với các diễn biến như triển khai Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… cũng là những điểm đáng chú ý.
Tất cả các yếu tố trên kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho TTCK trong quý IV, mà điểm bắt đầu là ngay trong tháng 10 này.