Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán: Tìm cơ hội khi giá hàng hóa leo thang
Kỳ Thành - 08/06/2022 13:34
Giá xăng dầu tăng kéo theo áp lực lạm phát, giá hàng hóa leo thang, nhưng nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy cơ hội với những ngành thiết yếu, ít chịu tác động khi giá năng lượng tăng.
Khi giá xăng tăng nhanh, các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối xăng dầu chính là bên hưởng lợi trực tiếp. Ảnh: D.T

Xăng tăng, lạm phát tác động ít tới hàng hóa thiết yếu

Giá xăng dầu tăng gây áp lực lên lạm phát có lẽ là câu chuyện được giới đầu tư quan tâm nhất thời gian gần đây. Giá dầu Brent sau khi chinh phục thành công mức kháng cự 115 USD/thùng, đang trên đà tiếp tục tăng. Đây có lẽ là một trong những chất xúc tác quan trọng khiến nhóm cổ phiếu dầu khí toả sáng, thu hút dòng tiền trên thị trường.

Bình luận về chỉ số năng lượng liên quan trực tiếp tới nhiều mặt hàng tiêu dùng tại Talkshow Chọn danh mục với chủ đề “Tìm cơ hội khi giá hàng hóa leo thang” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 2/6, ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, dù sản xuất loại hàng hóa gì, việc di chuyển hàng hóa cũng phải qua hệ thống logistics. Khi giá xăng dầu tăng, chi phí logistic sẽ tăng, ảnh hưởng đến chuỗi vận chuyển. Hàng hóa nào có nhu cầu vững chắc, doanh nghiệp thường chuyển phần tăng giá đó cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, giá dầu tăng dẫn đến chi phí gia tăng, cũng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp. “Do vậy, nhà đầu tư cần quan tâm tới ngành ít chịu tác động bởi giá vật liệu và năng lượng tăng lên”, ông Long khuyến nghị.

Về nguyên tắc, khi giá hàng hóa thiết yếu tăng lên, cầu sẽ không giảm đi, mà người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu phần khác trong giỏ hàng hóa của họ. Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, biên lợi nhuận sẽ được mở rộng, doanh thu tăng nhanh khi giá tăng cao. Điển hình như khi giá xăng tăng nhanh, các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối xăng dầu chính là bên hưởng lợi trực tiếp.

Theo ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thực tế cho thấy, khi giá hàng hóa thế giới tăng, đa số các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng khi giá nguyên liệu tăng như thức ăn chăn nuôi (khi chi phí đội lên cao, giá bán không thể tăng đột ngột do phụ thuộc vào việc thị trường có hấp thụ hay không).

Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ tìm các biện pháp khác như kỹ thuật, cắt giảm chi phí hoặc chuyển đổi giữa các nguồn nguyên liệu để thích nghi và giữ được giá bán hợp lý. “Đặc biệt, doanh nghiệp có lượng tồn kho lớn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu”, ông Quang nói.

Lưu ý các cổ phiếu nhóm ngành tiêu dùng, bán lẻ

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra cuối tháng 5 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG - HoSE), ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn chia sẻ, kế hoạch kinh doanh năm nay của ngành thép sẽ “khó thê thảm” vì ngành thép không thuận lợi. Trước ý kiến của cổ đông về việc mua cổ phiếu HPG đang bị lỗ, ông Long khẳng định, thực tế chứng minh, nhà đầu tư trên chặng đường dài với HPG thì không lỗ, đầu tư lâu là có lãi từ cổ phiếu.

Chuyên gia của BSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể quan tâm đến các mã cổ phiếu hàng đầu trong các ngành hóa chất, phân bón, lương thực, thực phẩm, thủy sản…

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Đức Quang cho biết, giá thép, quặng sắt có nhịp tăng mạnh trong thời gian qua. Giá quặng sắt tăng do hạn chế nguồn cung, dịch bệnh khiến sản xuất đình trệ, các mỏ, cơ sở luyện kim bị ảnh hưởng, nên nguồn cung giảm, làm tăng giá thép.

Khi giá quặng sắt và thép tăng cao trong một thời gian, sẽ kích thích các nhà sản xuất, khai mỏ tăng công suất khai thác. Tuy nhiên, mỗi dự án sẽ kéo dài hàng năm từ giai đoạn xây dựng, vận hành và đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, theo ông Quang, ảnh hưởng của giá thép khiến tăng cung trong ngắn hạn là rất khó và giá thép ngắn hạn vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu hơn là nguồn cung. “Vừa qua, Trung Quốc thực hiện đóng cửa khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép giảm mạnh, kéo theo giá thép giảm”, ông Quang nói.

Từ góc độ cổ phiếu, ông Trần Thăng Long cho rằng, thép là ngành có tính chu kỳ cao, thời điểm dịch bệnh vừa qua có thể xem là thời kỳ “hoàng kim”. “Giá quặng không tăng, nhưng giá thép tăng cao do Nhà nước đổ tiền vào kích thích kinh tế bằng đầu tư công, đầu tư hạ tầng. Đó là giai đoạn tốt không chỉ với doanh nghiệp thép Việt Nam, mà cả doanh nghiệp thép thế giới”, ông Long nói.

Tuy nhiên, sau giai đoạn tốt, các yếu tố bất lợi đã bắt đầu xuất hiện. Ngành thép trong 10 năm qua cũng có tình trạng như vậy, 3 - 4 năm rất ổn, sau đó là hơn một năm gặp bất lợi, nhiều thông tin ngược chiều khiến giá cổ phiếu đi xuống.

Do đó, chuyên gia của BSC khuyến nghị, nhà đầu tư có thể quan tâm đến các mã cổ phiếu hàng đầu trong các ngành hóa chất, phân bón, lương thực, thực phẩm, thủy sản… “Khi thị trường hạ nhiệt, nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn rất nhiều, nhất là với các cổ phiếu của những doanh nghiệp tốp đầu như CSV, DGC (hóa chất), DPM, DCM (phân bón)…”, ông Long khuyến nghị.

Đặc biệt, cổ phiếu ngành bán lẻ có tính chu kỳ không cao, sẽ hưởng lợi nhiều ở Việt Nam từ việc dân số và thu nhập của người dân tăng lên. “Nhà đầu tư nên quan tâm nhất là với các lĩnh vực bách hóa, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin…”, ông Long chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác