Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Thêm vào đó, tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP năm 2018 của Việt Nam vào khoảng 200%, cho thấy độ mở của nền kinh tế ở mức cao. Khi sự tăng trưởng của quy mô toàn cầu có xu hướng giảm sẽ kéo theo thu nhập và chi tiêu giảm, nhu cầu xuất nhập khẩu giảm theo, tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Tuy nhiên, TS. Hồ Thúy Ái nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định do có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, thành tựu kinh tế năm 2018 sẽ tạo động lực cho sự tăng trưởng trong năm 2019. Trong khi đó, Chính phủ đang đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nhằm khơi thông dòng vốn trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm nay, Việt Nam xếp hạng 69/190 quốc gia về mặt thuận lợi ở môi trường kinh doanh.
Triển vọng TTCK vẫn khả quan
Trong tháng 2/2019, Chính phủ đã thông qua đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, trong đó có mục tiêu nâng quy mô và nâng hạng thị trường.
Ông Lu Hui Hung, Giám đốc Khối phân tích và Tự doanh, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam khó có khả năng được MSCI nâng hạng, nhưng đợt đánh giá sắp tới của MSCI sẽ có hiệu ứng tích cực với thị trường. Hiện Việt Nam đang nỗ lực sửa đổi Luật Chứng khoán, triển khai các sản phẩm chứng khoán mới, tháo gỡ rào cản về sở hữu đầu tư nước ngoài...
Theo báo cáo của PHS, chỉ số VN-Index thời gian qua dao động trong vùng định giá hợp lý, với P/E khoảng 15 - 17 lần. Dự báo năm nay, VN-Index sẽ dao động quanh ngưỡng 1.000 điểm, biến động lên xuống khoảng 10 - 15%. Chỉ số có thể đạt ngưỡng cao hơn nếu có động thái tích cực của dòng vốn ngoại cũng như MSCI đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng trong tháng 6/2019.
Cơ hội theo nhóm ngành
Ông Lu Hui Hung nhấn mạnh, điều quan trọng là nhà đầu tư có tin tưởng vào nền kinh tế hay không? Chiến lược đầu tư phải đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhà đầu tư có cơ hội có được nhiều lợi nhuận hơn tại thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019.
Trong báo cáo về triển vọng ngành, PHS dự báo, các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong năm 2019 gồm bán lẻ hàng tiêu dùng với mức tăng 35%, cảng biển tăng 31%, dệt may tăng 26%, chứng khoán tăng 23%, ngân hàng tăng 18%.
Cụ thể, bán lẻ Việt Nam đang đứng thứ 2 ASEAN về mức độ sôi động, thu nhập bình quân đầu người tăng và có cơ hội giành thị phần từ các kênh bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, bán lẻ hàng tiêu dùng có triển vọng hơn thực phẩm và nước uống.
Cảng biển và vận tải có cơ hội lớn do động lực nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tạo ra nhiều nhu cầu đối với 2 ngành này.
Với ngành dệt may, cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do và sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đối với ngành ngân hàng, chính sách tăng trưởng tín dụng đang được thắt chặt, nhưng vẫn có động lực tăng trưởng từ các dịch vụ mới và việc hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro theo Basel II.
PHS không đánh giá cao về sự tăng trưởng của ngành bất động sản. Ở phân khúc nhà ở, thách thức nhiều hơn là cơ hội như tín dụng đang được siết chặt, lãi suất tăng, việc cấp phép xây dựng được kiểm soát chặt và giá bán căn hộ bắt đầu có sự điều chỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Tươi, Giám đốc Khối Môi giới, PHS chia sẻ, ngoài các yếu tố về chính sách, bất động sản đang bắt đầu xu hướng lan ra các tỉnh, thành phố vùng ven, nên rất khó để đánh giá tiềm năng của các dự án. Ông Tươi lưu ý, ngành ngân hàng khó tăng trưởng mạnh vì bị giới hạn tỷ lệ tăng trưởng, đồng thời tín dụng cho bất động sản sẽ bị kiểm soát chặt hơn trong năm nay.