Tài chính - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vẫn có nhiều lý do để lạc quan
Thủy Triều - 01/01/2025 12:20
Càng về cuối năm 2024, câu chuyện thiếu nguồn hàng mới khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán thiếu động lực được nhắc đến nhiều như là một trong những yếu tố khiến sức hút trên thị trường vốn này giảm sút. Tuy vậy, thị trường vẫn có nhiều lý do để lạc quan.
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn là một trong 3 doanh nghiệp niêm yết mới trên HoSE trong tháng 1/2024.

Mỏi mắt chờ doanh nghiệp niêm yết mới

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới trên cả 2 sàn đều chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trên HoSE, mở đầu năm ghi nhận 3 mã cổ phiếu mới niêm yết trong tháng 1, gồm mã HNA của Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, mã QNP của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và mã TCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công.

Đây cũng là tháng có số lượng cổ phiếu niêm yết mới nhiều nhất của HoSE. Từ đó đến nay, số lượng doanh nghiệp niêm yết mới mỗi tháng từ 1-2 doanh nghiệp, thậm chí có những tháng không ghi nhận doanh nghiệp mới nào lên sàn.

Với việc Công ty cổ phần Sản xuất và Đầu tư Hoàng Gia niêm yết ngày 12/12/2024 mã chứng khoán RYG, tổng cộng từ đầu năm, có 10 mã chứng khoán mới lên sàn HoSE. Ngoài các mã trên, còn có mã VTB của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel, mã NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á, mã MCM của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, mã DSE của Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE, mã GEE của Công ty cổ phần Điện lực Gelex, mã DSC của Công ty cổ phần Chứng khoán DSC.

Trên sàn Hà Nội (HNX), tình hình còn heo hút hơn, cả năm 2024 chỉ ghi nhận thêm mã PTX từ doanh nghiệp niêm yết mới là Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh và cổ phiếu CAR của Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Trí Việt chuyển từ UPCoM lên trong tháng 10.

Lãnh đạo HNX cho biết, tính đến ngày 31/10/2024, thị trường niêm yết tại HNX có 312 mã cổ phiếu, với tổng giá trị niêm yết tính theo mệnh giá đạt 157.000 tỷ đồng, tương đương giá trị vốn hóa đạt 319.000 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm cuối năm 2023.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết tại HNX có xu hướng giảm từ năm 2020 đến nay, từ 355 doanh nghiệp niêm yết giảm xuống chỉ còn 312 doanh nghiệp. Theo lãnh đạo của HNX, ngoài lý do số lượng doanh nghiệp niêm yết mới ít, chỉ khoảng 3-4 doanh nghiệp/năm, còn thêm lý do từ năm 2021, điều kiện niêm yết trên HNX được nâng lên.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết tăng do việc giám sát và áp dụng các chế tài xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm. Năm 2019 có khoảng 20 doanh nghiệp hủy niêm yết và 23 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch. Trong 10 tháng năm 2024, có khoảng 15 doanh nghiệp hủy niêm yết và 22 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch.

Một năm im ắng của IPO

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bên cạnh việc đã khá lâu không có một thương vụ niêm yết mới nào gây được sức hút mạnh mẽ, thì tình hình IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng) cũng hết sức trầm lắng, khi cả năm 2024 chỉ có một thương vụ đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán DNSE. Thương vụ này đã huy động được khoảng 37 triệu USD - vượt qua kết quả huy động của cả thị trường Việt Nam trong năm 2023, cũng là thương vụ IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Tình trạng ảm đạm của thị trường IPO Việt Nam đã được dự báo từ sớm. Việc thị trường kém thanh khoản, các quy định như công ty IPO phải có 2 năm hoạt động liên tiếp có lãi, thay vì 1 năm như quy định cũ, không có lỗ lũy kế, được VNDirect đánh giá là những rào cản khiến việc IPO gặp nhiều khó khăn. 

Không khí trầm lắng trong hoạt động IPO diễn ra không chỉ tại Việt Nam. Báo cáo của Deloitte về thị trường IPO khu vực Đông Nam Á cho biết, tình trạng trì hoãn IPO diễn ra tại nhiều quốc gia trong khu vực. Thị trường Singapore chứng kiến 4 thương vụ IPO trên sàn Catalist, huy động được khoảng 34 triệu USD từ đầu năm 2024 đến nay, thấp nhất trong vòng 5 năm qua (2020 - 2024) về cả số lượng lẫn giá trị huy động.

Từ đầu năm đến thời điểm ngày 15/11/2024, thị trường IPO của Indonesia ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, với 39 thương vụ, huy động được 368 triệu USD, so với 79 thương vụ, huy động được 3,6 tỷ USD trong cả năm 2023. Các công ty quy mô nhỏ hơn đã tham gia IPO với các mục tiêu huy động vốn thận trọng hơn do năm 2024 là năm bầu cử ở nước này, đồng thời bị tác động tiêu cực bởi những cơn gió ngược của thị trường toàn cầu.

Tương tự, Thái Lan cũng ghi nhận số lượng IPO sụt giảm trong năm 2024 khi tính đến ngày 15/11/2024, chỉ có 29 thương vụ IPO diễn ra, thấp nhất tính từ năm 2021 đến nay. Tuy vậy, điểm sáng là tổng số tiền huy động được đạt 756 triệu USD, chiếm 26% tổng số tiền của khu vực, đưa Thái Lan trở thành một trong 3 thị trường hàng đầu ở Đông Nam Á.

Với sự sụt giảm mạnh của Indonesia, trong 10,5 tháng đầu năm 2024, thị trường vốn IPO ở Đông Nam Á chứng kiến 122 thương vụ, giảm 25% so với năm 2023 và huy động được khoảng 2,9 tỷ USD, mức thấp nhất trong 9 năm qua, giảm mạnh so với mức 5,8 tỷ USD huy động được qua 163 thương vụ vào năm 2023.

Theo đánh giá của Deloitte, thị trường IPO Đông Nam Á gặp phải những thách thức có quy mô lớn trong năm 2024, bao gồm biến động tiền tệ, sự khác biệt về quy định giữa các thị trường và căng thẳng địa chính trị - đây đồng thời là các yếu tố tác động đến thương mại và đầu tư. Việc các nền kinh tế ASEAN ghi nhận lãi suất cao tiếp tục hạn chế khoản vay của doanh nghiệp, làm chậm hoạt động IPO khi các công ty chọn trì hoãn việc niêm yết. Thêm vào đó, biến động của thị trường giữa các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.

Thúc đẩy nguồn hàng mới phải đi cùng chất lượng nguồn cung

Sự thiếu hụt nguồn cung mới không chỉ tạo áp lực lên thanh khoản thị trường, mà còn làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư.

Nhìn về tương lai của thị trường IPO trong khu vực, bà Hwee Ling, lãnh đạo Dịch vụ Đảm bảo Kế toán & Báo cáo của Deloitte Đông Nam Á cho biết, việc dự kiến cắt giảm lãi suất cùng với việc cắt giảm lạm phát có thể tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các thương vụ IPO trong những năm tới.

“Nền tảng tiêu dùng mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và tầm quan trọng mang tính chiến lược của Đông Nam Á trong các lĩnh vực như bất động sản, chăm sóc sức khỏe và năng lượng tái tạo vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Khi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào khu vực, năm 2025 đã sẵn sàng trở thành một năm cho các thương vụ IPO mới trên khắp Đông Nam Á”, bà Hwee Ling nói.

Những khó khăn của năm 2024 đặt ra bài toán lớn cho năm 2025, nhưng cũng mang lại cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam lột xác.

Còn nhìn về riêng Việt Nam, những khó khăn của năm 2024 đặt ra bài toán lớn cho năm 2025, nhưng cũng mang lại cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam lột xác.

Bên cạnh câu chuyện cần nguồn hàng mới, việc chất lượng của doanh nghiệp niêm yết mới là vấn đề được quan tâm. Trên thực tế, dù có doanh nghiệp mới trên thị trường, nhưng vẫn chưa thực sự thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư. Trong một buổi nói chuyện giữa các chuyên gia chứng khoán hàng đầu, câu chuyện về nguồn hàng mới được đặt ra, trong đó cổ phiếu công nghệ trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn còn khá ít ỏi.

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu thuộc nhóm ngành truyền thống như ngân hàng, bất động sản và sản xuất. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường. Trong khi đó, khi nhắc về cổ phiếu công nghệ, thị trường chỉ có thể nhắc một số cái tên quen thuộc như FPT. Nhiều công ty công nghệ lớn của Việt Nam vẫn chưa tham gia niêm yết, khiến thị trường thiếu đi một động lực tăng trưởng quan trọng trong kỷ nguyên số.

Cổ phiếu công nghệ, bán dẫn… được đánh giá có thể tạo nên làn gió mới cho thị trường chứng khoán. Nhìn lại năm 2024, nhóm cổ phiếu công nghệ đón được sóng tăng giá tích cực, thậm chí FPT còn liên tục chinh phục những đỉnh giá mới. Trên thế giới, ở thị trường chứng khoán Mỹ, nhóm cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng khá lớn và với xu hướng chip bán dẫn, nhóm này liên tục đưa thị trường chứng khoán Mỹ đi lên.

Tại Việt Nam, triển vọng sáng được kỳ vọng đối với các doanh nghiệp công nghệ liên quan đến các ngành công nghiệp mới như trung tâm dữ liệu, bán dẫn hay 5G. Năm 2024, hàng loạt thông tin tích cực liên quan đến ngành công nghệ, đặc biệt là sự kiện NVIDIA tuyên bố mở Trung tâm R&D và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam đã định vị lại vị thế công nghệ của nước ta.

Đây cũng là xu hướng chung của khu vực. Nhiều công ty công nghệ Đông Nam Á trước đây đặt mục tiêu IPO ở Mỹ, nhưng đang chuyển hướng sang các sàn giao dịch trong khu vực.

Ngành công nghệ là một trong số những ngành được hưởng lợi trước bức tranh còn nhiều biến số năm 2025. Việc nhóm cổ phiếu công nghệ hiện hữu trên sàn chứng khoán Việt thu hút được dòng tiền, FPT liên tục tạo lập những đỉnh lịch sử mới, còn Chỉ số ngành công nghệ thông tin (VNIT) ghi nhận giá trị giao dịch tăng liên tục từ đầu năm 2024 cho thấy, dòng tiền trên thị trường chứng khoán không yếu và vẫn đang tìm cơ hội giải ngân vào các nguồn hàng chất lượng.

Dù năm 2024 là một năm đầy thách thức, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều lý do để lạc quan. Sự cải thiện từ môi trường kinh tế vĩ mô, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong năm 2025.

Thị trường chứng khoán không chỉ là nơi phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, mà còn là động lực cho sự phát triển dài hạn. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược rõ ràng, năm 2025 hoàn toàn có thể trở thành thời điểm bứt phá, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế.

Tin liên quan
Tin khác