Xuất khẩu sang thị trường CPTPP tăng cao, đi kèm với các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng tăng. |
Hàng Việt vào "tầm ngắm" tại thị trường CPTPP
Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào tháng 1/2019, ngành thép Việt Nam đã đối diện hàng loạt vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại tại Mexico và Canada, trong đó có các sản phẩm như thép mạ, thép cán nguội, thép chống ăn mòn, ống thép, thép cốt bê tông,…
Mới đây nhất, tháng 10/2023, Bộ Kinh tế Mexico đã thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với dây hàn (micro welding wire) nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở đơn kiện của ngành sản xuất sở tại.
Nhưng không chỉ có thép, một loạt ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh như nhôm, đồ gỗ, thủy sản, dệt may... cũng vào "tầm ngắm" bị khởi kiện phòng vệ thương mại tại thị trường CPTPP.
Như vậy, Hiệp định CPTPP có tất cả 5 biện pháp phòng vệ thương mại giúp các doanh nghiệp sản xuất của nước sở tại có căn cứ để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu
Tại Tọa đàm “Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại trong gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP”, ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho biết: "Từ khi CPTPP đi vào hiệu lực, tháng 1/2019, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ".
Năm 2021, xuất khẩu sang 4 nước CPTPP khu vực châu Mỹ đạt hơn 12 tỷ USD, đặc biệt Việt Nam xuất siêu tới 10,4 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt 5,3 tỷ USD và tăng 75% so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Năm 2022, xuất khẩu sang các quốc gia thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng rất tích cực, với tổng kim ngạch đạt 15,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%, nhập khẩu đạt 2,1 tỷ USD tăng 27%. Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 11 tỷ USD. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã tận dụng tốt lợi thế mà Hiệp định CPTPP mang lại, bất chấp những khó khăn về chuỗi cung ứng và những xung đột, suy thoái kinh tế toàn cầu.
Về tổng thể, thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Nhập khẩu từ các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với cả năm 2021.
Việc tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP, sự gia tăng xuất khẩu nhanh, mạnh của Việt Nam đồng thời tạo ra áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trên địa bàn sở tại. Do đó, CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và kinh tế Việt Nam nhưng cũng mang tới những thách thức, rủi ro về việc bị điều tra và áp dụng phòng vệ thương mại.
Ngoài những nước mà lần đầu tiên của FTA với Việt Nam như Canada hay Chile và Peru thì đã có rất nhiều thành viên CPTPP điều tra biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam có thể kể đến như Australia hay Malaysia.
Đơn cử, Australia đã điều tra tới 18 vụ việc phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, tương đương với Canada, Malaysia cũng đã trên 10 vụ việc và Mexico thì kể từ khi có FTA với Việt Nam, hàng Việt đã tăng cường xuất khẩu sang Mexico và từ năm 2019, và đã có 03 vụ việc mới và phát sinh tại Mexico.
Chỉ ra những nhóm hàng bị khởi kiện nhiều, ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, những mặt hàng dễ bị tổn thương nhất, dễ bị điều tra nhất chính là những mặt hàng tăng trưởng nhanh, mạnh.
Đó là thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm kim loại cơ bản như là thép, nhôm, các sản phẩm liên quan đến dệt may và một số sản phẩm hóa chất là những sản phẩm truyền thống và sẽ tiếp tục bị kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, ngay cả trong FTA khác và thị trường CPTPP.
"Nguyên tắc để bắt đầu một vụ việc phòng vệ thương mại đầu tiên chính là sự gia tăng về nhập khẩu. Một nước nhập khẩu mà họ nhận thấy rằng có một sự gia tăng rất lớn về mặt nhập khẩu và gây sức ép đối với trong nước thì họ sẽ bắt đầu tiến hành những bước đầu tiên để điều tra phòng vệ thương mại", theo ông Đức.
Như vậy, số vụ việc mà các đối tác trong CPTPP khởi xướng điều tra với Việt Nam chiếm trên 20% tổng số vụ việc phòng vệ thương mại khởi xướng bởi các nước thành viên WTO đối với Việt Nam cho đến nay.
Lấy giá để cạnh tranh, càng dễ bị kiện phòng vệ
Cho rằng, nhận thức của các doanh nghiệp về rủi ro phòng vệ thương mại không đồng đều, dù đã tham gia sân chơi thương mại toàn cầu nhiều năm, và gần đây tận dụng nhanh các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, ông Vũ Văn Phụ, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam còn lưu ý thêm: "Doanh nghiệp không nên cạnh tranh về giá vì đây là một rủi ro rất lớn khi bị điều tra phòng vệ thương mại".
Ông Vũ Văn Phụ thông tin, năm 2023 ngành nhôm đã phải đối diện với 3 vụ việc đến từ Hoa Kỳ liên quan tới pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Việt Nam; dây và cáp nhôm có xuất xứ Việt Nam và gần đây nhất là các sản phẩm nhôm đùn ép có xuất xứ từ 15 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Giải pháp để chủ động hạn chế các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã liên tục có các cảnh báo về nguy cơ bị khởi kiện phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường trong khối CPTPP.
Mới nhất, Bộ Công thương đã công bố danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Theo công bố này, danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp có 18 sản phẩm, gồm: Pin năng lượng mặt trời, Ghế sofa có khung gỗ, tủ bếp và tủ nhà tắm, Gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng...
Giải pháp tiếp theo là doanh nghiệp cần phải thường xuyên cập nhật các vấn đề liên quan đến thay đổi pháp luật của nước ngoài, có sự chuẩn bị, tăng cường lưu trữ hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu,