Quốc tế
Thị trường dầu mỏ thế giới chưa thể sớm qua "cơn điên loạn"
Hoài Thanh - 26/04/2020 11:21
Dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) đã tăng giá ổn định trở lại sau hai ngày giao dịch "điên loạn". Nhưng thị trường dầu vật chất vẫn đang ở trạng thái sụp đổ.
Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở Plano, Texas, Mỹ ngày 20/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Các cổ phiếu ngành năng lượng đã tăng giá mạnh ngày 23/4, khi dầu WTI tăng gần 30%, lên mức 17 USD/thùng. Cú tăng tốc trở lại của dầu đã làm dịu đi cuộc khủng hoảng tức thời sau khi dầu WTI có phiên giao dịch thảm họa, với mức giá âm 37,63 USD/thùng hôm 21/4. 

Thế nhưng thực tế khó khăn chồng chất vẫn đang bủa vây ngành dầu mỏ toàn cầu. Các sản phẩm lọc dầu đang ở trạng thái dư cung lớn, còn các nhà máy lọc dầu đang ráo riết tìm kiếm các hãng vận hành tàu chở dầu công suất lớn để cất trữ xăng và xăng máy bay. Trong khi đó các tàu chở dầu hầu như đang đầy kín hợp đồng, năng lực tiếp nhận không còn nhiều. Khi không có nơi để lưu thành phẩm, các nhà máy lọc dầu buộc phải cắt giảm sản lượng, đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Nghịch lý nằm ở chỗ càng nhiều nhà máy lọc dầu đóng cửa, giá dầu lại càng giảm sâu.

Công ty tư nhân làm dịch vụ cất trữ dầu lớn nhất thế giới Royal Vopak NV có trụ sở tại Rotterdam hiện gần hết năng lực lưu kho. Trao đổi với hãng tin Bloomberg, Giám đốc tài chính tập đoàn, ông Gerald Paulides, cho biết các kho chứa dầu trên thế giới không nằm trong diện bảo dưỡng hiện đều chất đầy dầu và trường hợp của Royal Vopak không phải là cá biệt. 

Số lượng các giềng dầu bị đóng cửa đã nhiều hơn các dự đoán trước được đưa ra một, hai tuần trước đây. Nhưng khi mà đại dịch COVID-19 còn lâu mới qua đi, lực cầu ảm đạm sẽ còn kéo dài, không chỉ là một vài tháng. “Khi các lệnh hạn chế di chuyển trên toàn cầu phần lớn còn được duy trì trong tháng 5/2020, nhu cầu xăng sẽ suy giảm mạnh. Tất cả những nhân tố nằm trong chuỗi cung đều chịu hệ quả tiêu cực, trong đó các nhà máy lọc dầu và giới lái buôn trong lĩnh vực xăng sẽ chịu tổn thất lớn nhất”, chuyên gia Artyom Tchen thuộc hãng tư vấn Rystad Energy nhận định. 

Theo hãng này, tính trung bình các nhà máy lọc dầu ở Mỹ sẽ thua lỗ 3 USD trên mỗi thùng xăng tinh chế trong tháng 3 và tháng 4. Ông Tchen nhận định, khi thị cầu xăng suy giảm, các nhà máy lọc dầu đối mặt với vấn đề ùn ứ xăng thành phẩm. Nếu các nhà máy lọc dầu tiếp tục chạy với công suất như trong tháng 3, các kho chứa xăng sẽ được chất đầy vào giữa tháng 5. Vì thế, nhiều nhà máy lọc dầu đã phải giảm hoạt động để tránh dư thừa. 

Tổn thất tài chính đối với các nhà sản xuất dầu mỏ là rất lớn. Hơn 50% các công ty dầu của Mỹ sẽ phải tìm cách có được dòng tiền cứu ứng. Các nhà máy dầu đã phiến phần lớn đã không còn lợi nhuận. Nhưng nếu tình trạng này sẽ còn tệ hơn khi nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu sẽ còn tiếp diễn trong nhiều tháng tới. Trong bối cảnh đó, không dễ để các hãng dầu mỏ tiếp cận được nguồn tài chính từ ngân hàng, bởi không ai dám bỏ vốn vào một khu vực chưa có triển vọng thu lợi nhuận trong trung hạn. Hôm 23/4, hãng Equinor của Na Uy là công ty dầu mỏ lớn đầu tiên cắt giảm 2/3 cổ tức, xuống còn 0,09 USD/cổ phiếu. Exxon Mobil, Chervon chưa công bố báo cáo tài chính, nhưng triển vọng cổ đông nhận được cổ tức là không nhiều trong bối cảnh các tập đoàn này thiếu hụt dòng tiền.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nêu quan điểm nhóm OPEC+ cần phải cắt giảm sản lượng nhiều hơn nữa. “Điều quan trọng là họ phải cắt giảm càng sớm càng tốt và mức giảm phải sâu hơn nữa”, ông Birol trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Bloomberg. Biện pháp tới đây của OPEC+ còn chưa rõ ràng, khi chính các thành viên trong nhóm quyết định bước đi đầu tiên cần  thực hiện là cắt giảm tự nguyện. Sẽ không sớm có việc giảm sản lượng trên quy mô toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc giá dầu giảm sâu và nhanh chỉ là vấn đề thời gian. 

Tin liên quan
Tin khác