Thời sự
Thị trường lao động thời 4.0 nóng diễn đàn Quốc hội
Mạnh Bôn - 04/06/2018 14:01
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, bắt đầu vào hôm nay (4/6/2018) lựa chọn cả 4 nhóm vấn đề liên quan đến dân sinh, xã hội đã nói lên đúng tâm tư, nguyện vọng của cử tri cả nước.

Đáng chú ý là, bên cạnh các nhóm giải pháp xử lý triệt để những tồn tại trong lĩnh vực giao thông, đất đai…, thì thực trạng thị trường lao động, công tác quản lý xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm được nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn chất vấn, vì đây là những nội dung rất nóng.

Nóng là bởi, trong quý I/2018, số lao động mới bổ sung 586.800 người, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới chỉ hấp thụ được 225.400 người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này khiến tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên đến 7,25%, riêng khu vực thành thị là 11,47%. 

.

Trước thực trạng số lao động bổ sung tăng cao hơn số việc làm mới được tạo ra, một giải pháp được coi là cứu cánh từng thực hiện nhiều năm trở lại đây là mỗi năm, cố gắng xuất khẩu 100.000 lao động lao động.

Năm 2018, mục tiêu đặt ra là đưa 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thế nhưng, mục tiêu này rất khó đạt được khi Hàn Quốc - một trong những thị trường thu hút lao động lớn nhất của Việt Nam, vừa thông báo tạm dừng tuyển lao động theo Chương trình EPS (Chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài) tại 49 quận/huyện của Việt Nam trong năm 2018. 

Nóng còn bởi, sau nhiều năm phấn đấu và năm nào cũng hoàn thành kế hoạch, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên mới chiếm 22,5% lực lượng lao động, tức còn 77,5% lực lượng lao động chưa hề được đào tạo, hoặc chỉ được đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” một vài tuần trước khi đứng vào dây chuyền sản xuất giản đơn. 

Với lực lượng lao động có chất lượng như vậy, câu hỏi đặt ra là đất nước bước vào nền công nghiệp 4.0 theo cách nào cho dù Việt Nam là một trong số những quốc gia nhắc đến từ “cách mạng công nghiệp 4.0” nhiều nhất thế giới - như nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét. Chưa biết, lực lượng lao động Việt Nam thích ứng với công nghiệp 4.0 ra sao, nhưng với chất lượng lao động thấp như hiện nay, thì năng suất lao động của Việt Nam trong năm 2017 mới đạt 4.159 USD/người và càng ngày càng doãng rộng so với các nước ASEAN, thậm chí còn kém 1.422 USD so với năng suất lao động của Lào. 

Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội coi bảo hiểm xã hội là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng; đến năm 2025, đưa tỷ lệ này lên mức tương ứng là 45% và 55%. Còn mục tiêu xa hơn, đến năm 2035 có khoảng  60% lực lượng lao động bảo hiểm xã hội và 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng.     

Mục tiêu đặt ra rất rõ ràng, song trong 5 tháng đầu năm nay, đã có gần 297.000 lao động sau một thời gian tham gia bảo hiểm xã hội đã tự nguyện hưởng trợ cấp một lần (gần bằng số người tham gia bảo hiểm mới). Phần lớn số người nhận trợ cấp một lần có thu nhập thấp, không được đào tạo nghề một cách cơ bản, ít có khả năng tự tạo việc làm. Như vậy, sau 5 - 10 năm nữa, khi số người này hết tuổi lao động, không có thu nhập thì họ sẽ trở thành gánh nặng không chỉ với gia đình, mà với cả xã hội. Đây là vấn đề rất nóng. 

Đại biểu Quốc hội, cử tri mong muốn qua phiên chất vấn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiễm Xã hội Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan sẽ tìm ra được giải pháp bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước theo đúng quan điểm của Nghị quyết 28-NQ/TW.

Tin liên quan
Tin khác