Tiêu dùng
Thị trường logistics hưởng lợi từ tăng trưởng xuất nhập khẩu
Thành Vân - 24/10/2024 13:54
Thị trường logistics Việt Nam ngày càng lớn mạnh nhờ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khởi sắc trong năm 2024.

Kế hoạch mở rộng

Đầu tháng 9 vừa qua, International Cargo Logistics (ICL), công ty giao nhận có trụ sở tại Vương quốc Anh, thông báo mở văn phòng mới tại TP.HCM. Doanh nghiệp này có kế hoạch phát triển dịch vụ đa phương thức trong khu vực, tận dụng lợi thế của Việt Nam với vị trị địa lý nằm gần các tuyến đường vận chuyển lớn.

“Văn phòng mới sẽ là một phần không thể thiếu trong nỗ lực đẩy mạnh hoạt động của ICL tại Đông Nam Á, đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Yoav Izhari, Giám đốc điều hành ICL chia sẻ.

HỘI NGHỊ LOGISTICS VIỆT NAM NĂM 2024

Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi để bứt phá" do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra vào ngày 31/10/2024 tại Khách sạn JW Marriott Saigon (82 - Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM).

Với sự tham dự của hơn 300 khách mời trong nước và quốc tế, Hội nghị sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như các thách thức và xu hướng mới, hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường hiệu quả chuỗi cung ứng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển các mô hình kinh doanh logistics mới.

Thông tin Diễn đàn sẽ được tường thuật trực tuyến trên các nền tảng online của Báo Đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin của Hội nghị được cập nhật thường xuyên tại: https://logsummit.vir.com.vn.

Theo ông Yoav Izhari, vị trí của Việt Nam giúp ICL dễ dàng tiếp cận tuyến đường Biển Đông, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động vận tải giữa châu Á và châu Âu. Văn phòng mới mở ra cơ hội cho ICL thắt chặt mối quan hệ với các khách hàng hiện tại cũng như xây dựng mối quan hệ mới với doanh nghiệp trong khu vực.

Tương tự, Công ty GEODIS (có trụ sở chính tại Pháp) cũng cam kết là đối tác logistics đáng tin cậy của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Ông Chandler So, Giám đốc điều hành GEODIS Việt Nam cho biết, GEODIS sẽ tận dụng mạng lưới toàn cầu của mình để đẩy mạnh phát triển tại thị trường Việt Nam, với nhiều lĩnh vực, như công nghệ cao, thời trang bán lẻ, ô tô, công nghiệp và dược phẩm. “Thị trường logistics Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất tại châu Á, mang lại nhiều cơ hội để chúng tôi hỗ trợ khách hàng đa quốc gia”, ông Chandler nói.

Động lực tăng trưởng

Xuất khẩu hàng hóa ngày càng tăng, đòi hỏi hệ thống logistics hiệu quả, tạo điều kiện để các công ty logistics mở rộng hoạt động và cung cấp các giải pháp vận chuyển toàn diện cho khách hàng tại Việt Nam. Tăng trưởng xuất khẩu cũng làm tăng nhu cầu đối với các dịch vụ liên quan, như dịch vụ môi giới hải quan, hậu cần theo hợp đồng và nhập khẩu nguyên vật liệu.

Theo Modor Intelligence, thị trường vận tải hàng hóa và logistics của Việt Nam đạt khoảng 48,57 tỷ USD trong năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 6,75%, thị trường dự kiến đạt giá trị 71,88 tỷ USD vào năm 2030. Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam tăng lên 3,3 điểm vào năm 2023, được thúc đẩy bởi lĩnh vực logistics và tăng trưởng xuất khẩu.

Ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger Việt Nam cho biết, lĩnh vực xuất khẩu đang phát triển nhanh của Việt Nam đã thúc đẩy đáng kể sự phát triển của logistics, kéo theo sự mở rộng của các cảng biển, hoạt động vận tải và kho bãi. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng hơn 16%, đạt 578,47 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024, góp phần đẩy nhanh các khoản đầu tư lớn vào hạ tầng.

“Ví dụ, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và Lạch Huyện đã trở thành những cụm cảng nhộn nhịp nhất Đông Nam Á, kết nối hàng hóa từ Việt Nam với các thị trường lớn ở Mỹ và châu Âu. Điều này cũng thu hút thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào logistics, với sự hiện diện và mở rộng hoạt động của các công ty quốc tế như DHL, Kerry Logistics…”, ông Trường Bùi phân tích.

Ngoài ra, nhu cầu dịch vụ vận chuyển và kho bãi hiện đại tăng mạnh cũng hỗ trợ tăng trưởng cho các công ty hàng đầu trong nước, như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Gemadept. Các doanh nghiệp này đều ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong hoạt động logistics. Tăng trưởng xuất khẩu cũng mở ra cơ hội cho lĩnh vực bất động sản logistics, đơn cử là nhà kho xây sẵn. Các công ty như BW Industrial đang mở rộng danh mục đầu tư để đáp ứng nhu cầu tăng cao của doanh nghiệp xuất khẩu.

“Trong bối cảnh ngày càng có nhiều hàng hóa lưu thông vào và ra khỏi Việt Nam, các công ty logistics được tiếp thêm động lực để áp dụng công nghệ tiên tiến, như phần mềm quản lý chuỗi cung ứng và tự động hóa kho bãi nhằm tinh giản các quy trình và cải thiện hiệu quả. Xu hướng này không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, mà còn tăng cường chuyển đổi số trong ngành logistics Việt Nam”, ông Trường Bùi phân tích.

Triển vọng của ngành logistics Việt Nam tiếp tục được cải thiện do đơn hàng xuất khẩu dự kiến tăng trong thời gian tới. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp dự báo khả quan về tình hình đơn hàng xuất khẩu quý IV/2024 tăng lên, với hơn 83,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên đơn hàng so với quý III/2024.

Tin liên quan
Tin khác