Doanh nghiệp
Thị trường M&A bắt đầu chu kỳ mới
Nhóm phóng viên - 08/08/2013 06:45
Nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư quốc tế đang quan tâm đặc biệt tới thị trường Việt Nam thông qua mua bán - sáp nhập (M&A).

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội trước chu kỳ mới của thị trường M&A. Đó là nhận định của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, trước thềm Diễn đàn M&A Vietnam 2013 mà phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn ghi nhận được.

Nhiều quỹ đầu tư quan tâm trở lại thị trường Việt Nam

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành
CBRE Việt Nam

Ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam

Thị trường TP.HCM đang ở dưới đáy của một chu kỳ, nhu cầu đầu tư đang tăng lên trong nửa đầu năm 2013.

Chúng tôi đã tiếp nhận số lượng yêu cầu đầu tư tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, những nhà đầu tư lâu năm như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn quan tâm đến Việt Nam và tiếp tục tìm kiếm cơ hội mua những bất động sản hiện có, cũng như cơ hội đầu tư phát triển, đặc biệt là phân khúc nhà ở.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Đài Loan cũng sở hữu một nguồn vốn đầu tư tiềm năng cho thị trường đầu tư tại Việt Nam. Các quy định bảo hiểm của Đài Loan đã mở đường cho xu hướng đầu tư bất động sản ra bên ngoài. TP.HCM là một trong 6 thành phố đang cạnh tranh để được đón nhận đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đã bắt đầu quan tâm trở lại thị trường Việt Nam. Họ đang tìm kiếm cơ hội giao dịch tài sản trực tiếp, tham gia trong những liên doanh hiện có, cũng như tìm cách thiết lập liên doanh mới trong thời điểm thị trường bắt đầu bước vào một chu kỳ mới.

M&A nghiêng dần về nhà đầu tư nội

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT
Công ty cổ phần Đầu tư Anphanam

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Anphanam

Có hai lý do dẫn đến nhận định này.

Thứ nhất, nhà đầu tư ngoại đa số quan tâm đến các doanh nghiệp mạnh, có ưu thế nổi trội trong lĩnh vực họ hoạt động. Tuy nhiên, tỷ lệ này không nhiều.

Thứ hai, số doanh nghiệp Việt Nam suy yếu tăng nhanh trong 2 năm trở lại đây. Họ có nhu cầu cấp bách về giải quyết công nợ, hoặc thay đổi lĩnh vực kinh doanh..., để tìm cơ hội trên thị trường.

Với đối tượng này, chỉ có nhà đầu tư Việt Nam mới dám đặt chân vào, vì chỉ họ mới hiểu rõ con đường và cách phục hồi những doanh nghiệp đó.

Những doanh nghiệp Việt Nam đang muốn bán lại, cần định vị rõ mình muốn gì để không bỏ lỡ cơ hội hay lãng phí thời gian.

Nhà đầu tư Nhật Bản đang mở rộng M&A ở nhiều lĩnh vực.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành
cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam (RECOF
)

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam (RECOF)

Các công ty Nhật Bản mà chúng tôi đang tiếp cận đều có sự quan tâm rất lớn và đánh giá tích cực đối với các cơ hội M&A tại thị trường Việt Nam.

Kết quả là, chúng tôi đã trở thành đối tác với một số khách hàng và đang thực hiện giai đoạn định giá và rà soát của một số thương vụ trong năm qua.

Chúng tôi khá bận rộn trong khoảng thời gian vừa qua, thường trong một tháng, chúng tôi bay qua Việt Nam cùng với các khách hàng Nhật Bản trung bình 3 - 4 lần.

Hiện RECOF đang thực hiện 3 thương vụ và đang ở giai đoạn sau của quá trình đàm phán, hy vọng sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Ngoài mối quan tâm hiện tại mà các công ty Nhật Bản đang hướng đến ngành sản xuất, họ cũng chuyển hướng quan tâm đến các ngành công nghiệp tiêu thụ và dịch vụ, bao gồm hàng tiêu dùng, dược phẩm, bao bì, thiết bị, bán lẻ và tài chính dịch vụ.

Hơn nữa, các công ty Nhật Bản rất tích cực trong việc tìm kiếm cơ hội liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, như thiết bị xây dựng, logistics và dịch vụ.

M&A là một cơ hội thú vị

Bà Bùi Linh, Luật sư cao cấp Công ty Allens Pte.Ltd

Bà Bùi Linh, Luật sư cao cấp Công ty Allens Pte.Ltd

Bên cạnh những cơ hội, các nhà đầu tư nước ngoài phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc thực hiện M&A tại Việt Nam. Số liệu thống kê chỉ cho thấy các giao dịch M&A thành công.

Tuy nhiên, cũng có một số giao dịch khác, có quy mô lớn cũng không được công bố rộng rãi, thậm chí bị bế tắc, vì những rào cản về định hướng kinh doanh, pháp lý.

Nếu tất cả các giao dịch hoàn tất, quy mô giá trị thị trường M&A tại Việt Nam có khả năng lớn hơn nhiều so với dự báo 5 tỷ USD trong năm nay của các chuyên gia.

Trong thời gian tới, M&A vẫn còn là một cơ hội thú vị cho sự phát triển và tăng trưởng của các công ty tại Việt Nam và đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nội sẽ chiếm ưu thế trong trung hạn

Ông Carl Gordon, Giám đốc Khối tư vấn M&A
(KPMG Vietnam)

Ông Carl Gordon, Giám đốc Khối tư vấn M&A (KPMG Vietnam)

Phần lớn giao dịch M&A ở Việt Nam là do phía nước ngoài thực hiện đầu tư vào Việt Nam.

Đây tiếp tục là xu hướng trong ngắn và trung hạn với các nhà đầu tư chủ yếu đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ngoài ra, từ trước đến nay, hoạt động đầu tư M&A của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài không đáng kể.

Xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì do các doanh nghiệp trong nước thường tập trung vào các cơ hội đầu tư ở thị trường trong nước hơn là nước ngoài.

Mục tiêu vẫn là các tài sản giá rẻ

Ông Nguyễn Phúc Hảo, Phó giám đốc phụ trách
Phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp
(Công ty Chứng khoán Bản Việt)

Ông Nguyễn Phúc Hảo, Phó giám đốc phụ trách Phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp (Công ty Chứng khoán Bản Việt)

Chúng ta đang chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Rõ ràng, họ không dừng ở việc xây dựng nhà máy sản xuất, rồi xuất khẩu sản phẩm như lâu nay, mà họ đang len lỏi sâu hơn vào thị trường nội địa Việt Nam.

Các quyết định đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản thường dựa vào các thông số về thị trường đông dân, tốc độ phát triển kinh tế ổn định và thu nhập đầu người ngày càng cao.

Họ thường nghiên cứu rất kỹ trước khi đầu tư và sẽ đầu tư vào các lĩnh vực thực sự có tiềm năng lâu dài, hướng tới tương lai, chứ không phải chỉ để giải quyết khó khăn hiện tại của doanh nghiệp.

Hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian tới sẽ phát triển sâu hơn, nhưng vẫn theo xu hướng chung, bắt đầu xuất hiện từ năm 2010 với mục tiêu là các tài sản “giá rẻ”.

Chiến lược của những thương vụ này là tham gia tái cấu trúc, hướng doanh nghiệp tập trung cho hoạt động chính, tích hợp chuỗi giá trị hoặc phát triển thị phần.

Tôi đang tìm mua 3 loại công ty

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT
Tập đoàn Sunhouse

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse

Từ nay đến năm 2015, chắc chắn, xu thế M&A sẽ tăng trưởng, vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đủ lực duy trì hoạt động nội tại.

Bối cảnh đó đang tạo ra môi trường tốt cho cả người bán, người mua và là cơ hội cho các doanh nghiệp nội có tiềm lực về tài chính, có yếu tố cạnh tranh lành mạnh và có sức khỏe tốt trong chiến lược kinh doanh.

Trong thời gian tới, có 3 loại công ty mà tôi tìm mua.

Thứ nhất, đó là các công ty cùng ngành hàng gia dụng, thực phẩm, thiết bị điện để tăng quy mô cho Sunhouse.

Thứ hai, những công ty có đầy đủ chuỗi giá trị hỗ trợ dịch vụ cho Sunhouse. Thứ ba, những công ty được thị trường định giá thấp, Sunhouse mua lại, tái cấu trúc, để bán.

Tin liên quan
Tin khác