Ngân hàng - Bảo hiểm
Cần chớp lấy cơ hội M&A
Anh Hoa - 07/08/2013 06:43
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) khẳng định, dù không bị sức ép sáp nhập vì kinh doanh đang phát triển rất tốt, song trong tương lai, OCB vẫn coi đó một cơ hội cần chớp lấy để đạt được tốc độ tăng trưởng hơn là sự tích lũy tự thân.
TIN LIÊN QUAN

Nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng để đạt được giá trị cao hơn khi bán cổ phần. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của OCB về vấn đề này khi bán cổ phần cho BNP Paribas (Pháp)?

Sự hợp tác bắt nguồn từ nhu cầu của hai bên, OCB và đối tác chiến lược nước ngoài BNP Paribas có sự chuẩn bị rất cẩn thận trước khi bắt đầu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB)

BNP Paribas là ngân hàng bán lẻ hàng đầu Châu Âu, hiện nay có tổng tài sản đứng thứ 6 trên thế giới.

Định hướng của BNP Paribas kết hợp với một ngân hàng của Việt Nam để tận dụng các thế mạnh như mạng lưới và am hiểu khách hàng địa phương để phát triển mảng bán lẻ.

Đối với OCB, với định hướng trở thành trở thành ngân hàng đa năng dẫn đầu về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, chúng tôi cần đối tác có kinh nghiệm, thế mạnh quản trị rủi ro, công nghệ, trình độ, đủ cam kết để hỗ trợ OCB đạt được mục tiêu chiến lược.

Vậy ông có thể chia sẻ, sau khi có sự tham gia của BNP Paribas thì kết quả hoạt động của OCB có chuyển biến như thế nào?

Ngay sau khi BNP Paribas và OCB chính thức hợp tác, hai bên đã bắt tay vào xây dựng chiến lược ngân hàng để đưa OCB thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại.

Đầu năm 2010, chúng tôi đã thành lập được ủy ban hợp tác chiến lược xây dựng chiến lược phát triển OCB giai đoạn 2011-2015 với sự tham gia của các chuyên gia BNP Paribas cũng như các thành viên cao cấp của OCB.

BNP Paribas hiện nay vừa làm việc với tư cách là chuyên gia, vừa là người trực tiếp thực hiện với các cán bộ OCB. Đúng như những kỳ vọng ban đầu, BNP Paribas hỗ trơ tư vấn về các định hướng và mô hình chiến lược, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 châu Âu.

OCB với sự am hiểu sâu sắc về thị trường và khách hàng địa phương sẽ chủ động tiếp nhận và sáng tạo ra một mô hình bán lẻ tốt nhất cho thị trường. OCB hiện đã đạt được các mục tiêu ban đầu về tăng trưởng về quy mô, về lợi nhuận, về trích lập dự phòng, giúp ngân hàng phát triển bền vững vượt qua thời kỳ khó khăn chung của thị trường.

Đồng thời, chúng tôi cũng đang hoàn tất những nền tảng căn bản của một Ngân hàng bán lẻ hiện đại tạ,o khả năng phát triển đột phát khi thị trường tài chính ngân hàng thực sự khởi sắc. Và đây là thành quả quan trọng nhất của sự hợp tác chiến lược giữa OCB và BNP Paribas.

Ngân hàng Nhà nước đang chủ trương tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó có việc cho phép một số ngân hàng mạnh mua lại các ngân hàng yếu hơn hoặc cho phép các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất với nhau. Vậy OCB có kế hoạch gì liên quan đến hoạt động M&A trong thời gian tới?

Thực ra trong đề án phát triển của ngân hàng OCB, phương án sáp nhập hoặc tìm kiếm thêm đối tác khác để tăng tốc quy mô hoạt động ngân hàng cũng được chúng tôi tính đến.

OCB nhìn nhận M&A như một cơ hội để có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng hơn là sự tích lũy tự thân

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ thực hiện với một số tiêu chuẩn nhất định. Chẳng hạn, chúng tôi chỉ thực hiện nó khi vẫn chủ động được chiến lược của ngân hàng, đảm bảo khi sáp nhập sẽ phải tạo ra một ngân hàng mới có sức mạnh hơn hẳn.

Chúng tôi chỉ sáp nhập khi tìm ra đối tác phù hợp với những điều kiện tiên quyết nêu trên. OCB không hề bị sức ép sáp nhập vì chúng tôi đang phát triển rất tốt và bền vững.

Song chúng tôi sẽ nhìn đó như một cơ hội để có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng hơn là sự tích lũy tự thân. Cơ chế của ngân hàng nhà nước hiện nay đang tạo ra những thuận lợi nhất định trong quá trình này.

Theo ông, trong xu hướng M&A trong thời gian tới, các ngân hàng có xác định tự nguyện M&A với nhau để gia tăng sức mạnh hay vì theo sự chỉ đạo?

Cả hai xu hướng trên. Theo tôi, sự chỉ đạo cũng có thể coi là sự thay đổi cơ chế. Định hướng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay về tăng cường sức mạnh cho toàn hệ thống là hoàn toàn đúng.

Trên cơ sở đó, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ sẽ có chính sách định hướng cho việc sáp nhập. Chính vì thế mà tôi tin có cơ sở để M&A trong lĩnh vực ngân hàng nhộn sẽ nhịp hơn, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn và việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn.

Nếu ở phía tự nguyện, thì các ngân hàng vẫn còn thời gian để cân nhắc, dựa trên hiện trạng và chiến lược của mỗi ngân hàng .

Trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới, tôi nghĩ rằng sự chỉ đạo của ngân hàng nhà nước sẽ ảnh hưởng đến việc sáp nhập. Song trong giai đoạn dài hạn hơn thì sự tự nguyện của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến quyết định M&A.

Tin liên quan
Tin khác