Cuối tháng 7 vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản đã khai trương, mở cửa hàng kinh doanh ở Việt Nam. |
Ảnh hưởng của đại dịch
Theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, hiện tại, nhiều diện tích ở các trung tâm thương mại còn trống, đặc biệt là ở các quận, huyện vùng ven. Khách thuê diện tích lớn cung cấp các dịch vụ như trò chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp đang phải vật lộn để duy trì diện tích thuê.
Một báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cũng cho thấy, nhiều chuỗi ăn uống và thời trang, dịch vụ tại các vị trí đắc địa phải đóng cửa ở do tình hình kinh doanh giảm sút.
Sẽ bùng nổ nguồn cung mới
Trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh hiện nay, thị trường bất động sản đang chứng kiến làn sóng trả mặt bằng diễn ra khắp nơi do ế ẩm. Thế nhưng, cuối tháng 7 vừa qua, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn “khuấy động” thị trường bán lẻ khi hàng loạt doanh nghiệp đến từ xứ sở hoa anh đào đã khai trương, mở cửa hàng kinh doanh ở Việt Nam.
Cụ thể, cuối tháng 7/2020, thương hiệu bán lẻ Muji của Nhật Bản đã khai trương cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại Việt Nam ở lầu 1, Trung tâm thương mại Parkson (quận 1, TP.HCM) với hàng ngàn mặt hàng, trong đó có nhiều sản phẩm chăm sóc da và quần áo. Mặc dù đang giữa tâm dịch, nhưng sự kiện này vẫn thu hút rất đông khách hàng là giới trẻ đến tham quan, mua sắm.
Trước đó, Miki House, thương hiệu thời trang cao cấp cho trẻ em cũng cho khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam, đặt tại Trung tâm thương mại Akuruhi (TP.HCM). Nhãn hàng thời trang nổi tiếng Nhật Bản Uniqlo cũng liên tục khai trương các cửa hàng và đến tháng 6/2020 đã có 4 cửa hàng đặt tại các trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM và Hà Nội.
Còn đối với Aeon, kể từ khi vận hành siêu thị tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay, tập đoàn này đã có 5 đại siêu thị ở các thành phố lớn với vốn đầu tư lên đến hơn 700 triệu USD. Hiện nay, đại siêu thị này đang khởi động chiến dịch mở rộng quy mô chuỗi tại Việt Nam.
Đáng chú ý, dù Covid-19 diễn biến phức tạp, Aeon vẫn lên kế hoạch mở khu phức hợp thương mại thứ 6 tại Hải Phòng vào cuối năm nay với vốn đầu tư khoảng 190 triệu USD.
Những màn “chào sân” đầy ấn tượng của các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn luôn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng cho thấy, trong thời gian tới, sẽ có một cuộc bùng nổ nguồn cung trong thị trường bán lẻ.
Theo dự báo của JLL Việt Nam, trong nửa cuối năm 2020, Việt Nam sẽ có gần 280.000 m2 sàn bán lẻ gia nhập thị trường. JLL Việt Nam cho rằng, mặc dù giá thuê sẽ tăng trở lại khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, song các nhà phát triển trung tâm thương mại nội địa nên xem xét lại mô hình cho thuê cố định truyền thống sang mô hình chia sẻ doanh thu, để giúp chia sẻ rủi ro và tăng cường mối quan hệ giữa chủ nhà với khách thuê.
Còn theo dự báo của CBRE Việt Nam, trong năm 2020, riêng thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội sẽ đón khoảng 54.000 m2 sàn. “Sự bùng phát của Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc mở mới các trung tâm mua sắm cũng như kế hoạch của khách thuê. Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn dự kiến đón nhận hơn 450.000 m2 sàn trong 3 năm tới”, CBRE Việt Nam nhận định.
Còn tại TP.HCM, từ nay đến hết năm 2020, sẽ không có thêm dự án mới nào mở bán, ngoài một dự án bán lẻ tại khu trung tâm có thể sẽ tái khai trương sau hơn 2 năm trùng tu.
“Các dự án tương lai đều trì hoãn ngày khai trương để chờ sự hồi phục từ nhu cầu thuê mặt bằng cũng như đợi tuyến Metro số 1. Sự ra đời của tuyến Metro sẽ kéo theo thay đổi về mặt bằng giá thuê cho các dự án có kết nối trực tiếp, cơ cấu ngành hàng để phù hợp với đối tượng khách di chuyển và có thể là mô hình bán lẻ dưới lòng đất còn rất mới tại thị trường Việt Nam”, CBRE nhận định.