Ba năm trầm lắng
Sau giai đoạn sôi động gắn với quá trình tái cơ cấu ngành (2011 - 2016), 3 năm trở lại đây, hoạt động M&A ngân hàng có dấu hiệu chững lại.
Một thành viên trong Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, trước đây, hoạt động M&A được đẩy mạnh trong lĩnh vực ngân hàng do một số ngân hàng yếu kém buộc phải M&A với những ngân hàng mạnh hơn mới có thể tồn tại. Vì thế, khi hệ thống ngân hàng dần trở nên lành mạnh hơn, thì những ứng viên để M&A sẽ giảm đi và khiến hoạt động M&A phần nào bớt sôi động.
HDBank dự kiến hoàn tất sáp nhập PGBank trong tháng 8/2018 |
Rất nhiều dự báo đưa ra hồi đầu năm 2018 nhận định, trong năm nay, M&A sẽ thực sự sôi động. Đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra mục tiêu M&A như MB, LienVietPostBank, VPBank..., song tới thời điểm này, mọi việc khá yên ắng. Một trong những nguyên nhân là còn hiếm nhà đầu tư trong nước có đủ tiềm lực tài chính.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, M&A ngân hàng diễn biến nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào một số vấn đề: định hướng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Việt Nam; mức độ cạnh tranh gắn với quá trình mở cửa tiếp theo về tài chính của Việt Nam; năng lực giám sát trong quá trình mở cửa tài chính (Việt Nam chưa có khung khổ pháp lý hoàn thiện để giám sát hoạt động này)...
Tuy nhiên, đánh giá về tiềm năng trong thời gian tới, ông Thành nhấn mạnh, M&A sẽ tăng lên và có thể diễn ra việc ngân hàng nội mua ngân hàng ngoại, hay ngân hàng ngoại mua lại thị phần ngân hàng ngoại. Đáng chú ý là, M&A giữa các ngân hàng nội có nhiều triển vọng tích cực khi không ít nhà băng lên kế hoạch M&A.
Sẽ sôi động trong thời gian tới
Sau giai đoạn trầm lắng, M&A lại gây bão trong ngành ngân hàng khi HDBank dự kiến hoàn tất sáp nhập PGBank trong tháng 8/2018. Tháng 9/2018, HDBank sẽ sắp xếp lại mạng lưới, chi nhánh, phòng giao dịch, nhân sự, chuẩn bị thành lập và đưa vào hoaạt động công ty cho thuê tài chính, công ty kiều hối, công ty bảo hiểm.
Sau sáp nhập, HDBank có quy mô vốn điều lệ 15.345 tỷ đồng, sở hữu gần 370 chi nhánh và phòng giao dịch, hơn 15.000 điểm giao dịch tài chính và giới thiệu dịch vụ phủ khắp 63/63 tỉnh, thành phố. Phía Petrolimex có lợi khi có đối tác chiến lược mới là HDBank.
Sau khi VietinBank “đứt gánh” với “mối tình” sáp nhập PGBank, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, VietinBank có kế hoạch M&A ngân hàng, vì thấy rằng, M&A là cơ hội cho ngân hàng phát triển tốt hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, nguyên nhân chính khiến M&A ngân hàng trầm lắng là do trong nước thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính. Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần ngân hàng khác như giai đoạn trước. Song xu hướng M&A lĩnh vực này sẽ nóng trở lại khi lộ trình áp dụng Basel II ngày một gần.
Những tưởng cuộc cải tổ ngành tài chính đang vào giai đoạn cuối, thì sẽ khó xuất hiện các thương vụ M&A, song theo đánh giá của các nhà phân tích tài chính, M&A lĩnh vực này sẽ tiếp tục nóng, khi một số nhà băng nhỏ khó có thể hồi phục sau một giai đoạn dài tái cơ cấu nhưng không thành công.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, với áp lực nâng cao tỷ lệ an toàn theo chuẩn mực mới (Basel II), ngân hàng nhỏ hoặc ngân hàng hoạt động kém hiệu quả phải chịu áp lực tăng vốn nhanh. Nếu không tăng vốn, các ngân hàng này tất yếu phải sáp nhập vào các ngân hàng lớn để có thể tồn tại. Trong khi đó, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giảm dần số lượng, tăng sức mạnh của các ngân hàng để cạnh tranh được trong khu vực.
Hiện các tổ chức tín dụng nằm trong mục tiêu M&A của những ngân hàng lớn có thể là Dong A Bank, GPBank, Ocean Bank, CBank, ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu. Trước áp lực nâng cao năng lực tài chính, Saigonbank từng tính đến chuyện sáp nhập và được một đối tác lớn chấp thuận là Vietcombank. Song thương vụ này bất thành khi các cổ đông lớn của Saigonbank chưa tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, theo đánh giá, nếu không M&A, thì Saigonbank khó có thể đứng vững, vì vốn thấp.