Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương phát biểu tại Họp báo |
Khởi đầu kỷ nguyên mới
Không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn M&A Việt Nam 2018, dự kiến diễn ra vào ngày 8/8 tới tại TP.HCM, lại có chủ đề là “Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới”, cho dù nhiều dự báo cho rằng, thị trường M&A Việt Nam năm nay sẽ khó có thể “xô đổ” kỷ lục 10,2 tỷ USD của năm 2017, mà chỉ có thể đạt con số khoảng 6,5 tỷ USD. Diễn đàn thường niên này do Báo Đầu tư và Công ty AVM Việt Nam phối hợp tổ chức, năm nay là năm thứ 10.
“Bước ngoặt mới được tính từ con số kỷ lục hơn 10 tỷ USD của năm ngoái, sau thương vụ Thaibev chi 4,8 tỷ USD mua lại Sabeco, để khởi đầu cho một kỷ nguyên mới - một thập kỷ phát triển mới của thị trường M&A Việt Nam. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như kế hoạch thoái vốn nhà nước, sự phát triển lớn mạnh của khu vực tư nhân… hứa hẹn rất nhiều thương vụ lớn trong thời gian tới”, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM nói.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam rất lạc quan khi cho rằng, “kỷ lục được sinh ra là để phá bỏ và điều đó không phải là không có cơ sở”. Theo ông Lê Trọng Minh, 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ M&A được thực hiện thành công tại Việt Nam, với tổng giá trị lên tới 48,8 tỷ USD. Và không có lý do gì để thời gian tới, các thương vụ M&A không tiếp tục bùng nổ.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn phát biểu tại họp báo |
Nhắc lại câu chuyện của 1 năm trước đây, sau con số kỷ lục 5,8 tỷ USD của năm 2016 được công bố, cũng đã có những câu hỏi đặt ra rằng, liệu thị trường M&A Việt Nam năm 2017 có thể vượt qua con số này, nhưng cuối cùng, kỷ lục mới đã được thiết lập, lên tới 10,2 tỷ USD.
“Chúng ta mới bán được 8% vốn nhà nước mà đã đạt được con số như vậy, với các thương vụ ấn tượng của Sabeco, Vinamilk…, thì nếu đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sẽ tạo được bước đột phá trên thị trường M&A”, ông Lê Trọng Minh nói và khẳng định, sự bùng nổ của các thương vụ M&A lớn trong nửa cuối năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đã được “châm ngòi” bởi các chủ trương và các biện pháp đẩy mạnh cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước…
“Điều này đang thực sự tạo ra những bước ngoặt mới, mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam, với kỳ vọng lớn hơn nữa về số lượng và giá trị thương vụ”, ông Lê Trọng Minh nói.
Như để khẳng định thêm nhận định này, ông Micheal DC Choi, Phó tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội chia sẻ, trong 5 tháng đầu năm, ông đã gặp gỡ tới 300 doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tới Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. “Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều yêu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư của các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và tôi tin rằng, sẽ có thêm nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong đó có thông qua hình thức M&A”, ông Choi nói.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Thế Phương lại nhắc đến một sự kiện quan trọng của Việt Nam, đó là Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 10 tới, để khẳng định rằng, đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam có những chiến lược mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài theo hình thức M&A một cách có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Điều này sẽ khiến các hoạt động M&A đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
Rõ ràng, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra cho thị trường M&A Việt Nam trong 10 năm tới, khi xu hướng đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đang ngày càng gia tăng. Nếu như trước đây, đa phần nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn lập dự án, xây nhà máy mới để đầu tư ở Việt Nam, thì giờ đây còn có một con đường khác, nhanh hơn và rất hiệu quả, đó là mua lại các dự án đang phát triển. Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi tới 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017, để góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Động lực chính là sự trỗi dậy của khu vực tư nhân trong nước
Mặc dù đánh giá rất cao vai trò của công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước trong việc tạo “nguồn cung dồi dào” cho thị trường M&A Việt Nam, nhưng một cách thẳng thắn, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư đã cho rằng, động lực chính của thị trường M&A giai đoạn tới sẽ nằm ở sự trỗi dậy của khu vực tư nhân trong nước, cùng với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài như trong suốt thời gian qua.
10 năm qua, với sự “máu lửa” của các nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…, hàng loạt thương vụ M&A đình đám đã được thực hiện, từ Thaibev mua Sabeco, Central Group mua BigC, Fraser and Neave mua cổ phần Vinamilk, hay Mizuho mua cổ phần Vietcombank, TTC
Holdings mua Metro… Chính các nhà đầu tư này đã góp phần quan trọng làm nên giá trị 48,8 tỷ USD của thị trường M&A Việt Nam.
Nhưng càng ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Không chỉ với vai trò của người mua, mà các doanh nghiệp Việt còn đóng vai trò người bán. Doanh nghiệp Việt đủ tiềm lực thì chọn mua, kể cả thực hiện M&A ở nước ngoài, như FPT, Vinamilk để thực hiện chiến lược đầu tư kinh doanh của mình. Nhưng cũng vì doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh hơn, mà các nhà đầu tư ngoại cũng càng thích “nhòm ngó”, muốn mua cổ phần để bắt tay hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích khi kinh doanh.
Ông Lê Trọng Minh đã nhắc đến những thương vụ thành công lớn gần đây của Vinhomes hay Techcombank để khẳng định xu hướng này. Trong khi đó, ông Đặng Xuân Minh nhắc đến các thương vụ của Vingroup, Masan, Kido, TTC, hay Vinamilk, Pan Group… để khẳng định, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động tham gia các hoạt động M&A và thực hiện chiến lược M&A để có được bước tăng trưởng đột phá.
“Các doanh nghiệp Việt nên xác định rõ mục tiêu của mình để có được chiến lược M&A phù hợp. Ví dụ, FPT muốn phát triển xuất khẩu phần mềm, muốn ra thị trường nước ngoài thì họ mua các công ty của châu Âu, mua công ty của Mỹ. Còn Vingroup, sau khi thành công với bất động sản, họ muốn phát triển sang các lĩnh vực khác, như bán lẻ, giáo dục, sản xuất ô tô…, thì họ sẽ có các thương vụ M&A phù hợp với chiến lược của mình”, ông Thinh nói.
Thông tin gần đây cho biết, FPT đã chi 30 triệu USD để mua Công ty Intellinet (Mỹ), còn Vingroup đã nhận chuyển nhượng, tiếp quản toàn bộ nhà máy của GM tại Hà Nội và triển khai những hoạt động đầu tư tăng năng lực để sản xuất dòng xe ô tô cỡ nhỏ hoàn toàn mới được VinFast mua bản quyền từ GM…
Chính các thương vụ đó, với sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam, sẽ góp phần quan trọng “tăng lực” cho thị trường M&A Việt Nam. Thậm chí, nhiều dự báo cho thấy, ngày càng nhiều quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, công ty tư nhân nước ngoài quan tâm đến các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và đồ tiêu dùng nhanh Việt Nam. “Động thái đó sẽ tạo ra những bước ngoặt mới trong hoạt động M&A tại khu vực này”, ông Lê Trọng Minh nhận định.
Tâm điểm là tài chính - ngân hàng
Ngoài các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, thực phẩm, đồ uống - vẫn luôn rất hấp dẫn các nhà đầu tư muốn thực hiện các thương vụ M&A Việt Nam, thì một điểm nhấn quan trọng trên thị trường M&A trong kỷ nguyên mới là sự bùng nổ của các thương vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thực ra, không khó để kể ra các thương vụ M&A trong lĩnh vực này ở thị trường Việt Nam thời gian qua. Chẳng hạn, đầu năm nay, Warburg Pincus đã chi 370 triệu USD để mua cổ phần của Techcombank. Trước đó, trong năm 2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ký hợp đồng bán 4,99% vốn sau phát hành cho Quỹ đầu tư PYN Fund Management (Phần Lan), trị giá gần 40 triệu USD. Còn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khi thực hiện IPO cũng đã hút được khoảng 250 triệu USD vốn của các nhà đầu tư nước ngoài…
Chưa kể, một thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là Techcombank vừa hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Kỹ thương (TechcomFinance) cho Công ty TNHH Thẻ Lotte của Hàn Quốc… Rồi vừa mới đây, Tập đoàn Vemanti có trụ sở tại Mỹ, đã mua 20% vốn cổ phần của eLoan JSC, một công ty fintech có trụ sở tại TP.HCM; Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) vẫn đang ráo riết mua cổ phần của BIDV…
Xu hướng này xem ra rất phù hợp với nhận định của ông Micheal Choi về mối quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc đối với thị trường tài chính, fintech của Việt Nam. Nhưng không chỉ có thế, theo ông Phạm Văn Thinh, tài chính, ngân hàng, fintech thực sự đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Lý do là, mặc dù có dân số hơn 93 triệu người, nhưng hiện 70% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng; xu hướng tiêu dùng của giới trẻ hiện nay cũng rất khác, sẵn sàng đi vay để tiêu dùng. “Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ tài chính, ngân hàng. Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng cũng sẽ mang lại cơ hội cho thị trường M&A trong lĩnh vực này”, ông Thinh nói.
Có cùng quan điểm, ông Đặng Xuân Minh cho rằng, xu hướng được các nhà đầu tư quan tâm thời gian tới là các lĩnh vực tài chính cá nhân, tài chính tiêu dùng, công nghệ ngân hàng. “Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn nhiều cơ hội, như BIDV hay một số ngân hàng vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Các công ty tài chính hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh”, ông Đặng Xuân Minh nhận định.