Các doanh nghiệp Việt Nam nên sử dụng các công cụ ngoại hối để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá |
Theo ông, động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa qua đã tác động ra sao đến thị trường ngoại tệ?
Với những diễn biến gần đây của tỷ giá USD/CNY, NHNN đã nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND lên mức +/- 2%. Đây là phản ứng tương đối nhanh của NHNN nhằm giảm áp lực phá giá đồng VND. Thị trường đang chờ đợi những động thái tiếp theo của NHNN.
Trong những ngày vừa qua, các doanh nghiệp trong trạng thái chờ đợi xem tỷ giá có tiếp tục tăng không, nếu CNY tiếp tục giảm giá. Do vậy, họ chỉ bán USD để lấy VND cho những nhu cầu cần thiết về thanh toán. Gần như không có khách hàng có nhu cầu bán USD kỳ hạn.
Việc Trung Quốc phá giá CNY vừa rồi tác động thế nào tới các doanh nghiệp nhập khẩu, thưa ông?
Nhu cầu USD trong mấy ngày vừa qua nói chung vẫn khá bình ổn do đợt biến động này không rơi vào đợt thanh toán của doanh nghiệp (thanh toán của doanh nghiệp thường vào cuối tháng). Nếu ngày 12/8, doanh nghiệp nhập khẩu khá bình thản trước tin biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND được nới rộng, thì ngày 13/8 đã xuất hiện tâm lý lo lắng và nhu cầu mua kỳ hạn USD bắt đầu tăng cho các khoản thanh toán trong tương lai.
Về phần mình, các ngân hàng trong nước đã cố gắng mua USD để giảm bớt trạng thái ngoại hối âm và hạn chế rủi ro. Việc này đã tạo ra cầu khá lớn trên thị trường và tạo áp lực lên tỷ giá.
Liệu CNY có thể phá giá tới 10% như các đồn đoán trên thị trường?
Cuối tuần qua, thị trường ngoại hối đã trở nên bình ổn hơn, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ra thông báo mức độ phá giá cần thiết đối với CNY đã đạt được. Như vậy, thị trường sẽ được bình ổn và sẽ không có việc phá giá CNY tới 10%. CNY đã tăng giá trở lại khoảng 1% và các đồng tiền khác trong khu vực cũng đã tăng giá.
Theo thông báo của PBoC, động thái giảm giá CNY không nhằm mục đích kích thích xuất khẩu, mà để đồng CNY mang tính định hướng theo thị trường hơn.
Trong một báo cáo tuần trước của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cơ chế xác định tỷ giá USD/CNY chưa đủ minh bạch và uyển chuyển. Trong một lưu ý khác, đã sắp tới thời điểm để IMF xem xét việc CNY có được đưa vào rổ SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của họ hay không. Do đó, thị trường không kỳ vọng xuất khẩu tăng nhiều cùng với việc CNY giảm giá.
Dẫu vậy và mặc dù nhiều hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không còn là mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt (như hàng điện tử cao cấp), song Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam có thâm hụt cán cân thương mại lớn nhất với Trung Quốc, nên việc phá giá CNY cũng ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam.
CNY mất giá có ảnh hưởng đến luồng vốn đầu tư vào Việt Nam không, thưa ông?
Về đầu tư, tôi chưa thấy việc phá giá CNY ảnh hưởng tới luồng đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam. Các nhà đầu tư thường có cái nhìn dài hạn và họ lưu ý tới những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, như chi phí nhân công rẻ, nhân công có tay nghề, lực lượng lao động trẻ. Chừng nào Việt Nam còn tiếp tục cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng, tiến hành ký hết các hiệp định tự do thương mại với các quốc gia khác, thì dòng vốn vào Việt Nam sẽ còn tích cực.
Theo ông, thị trường ngoại hối thế giới có tạo áp lực lên tỷ giá trong những tháng cuối năm?
Diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối quốc tế có thể vẫn tiếp tục gây áp lực lên VND. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp, cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu, có thể nên cân nhắc sử dụng các công cụ ngoại hối để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá.