Thời sự
Thị trường nông sản: Lợi thế và thất thế
Nguyễn Đình Bích - 07/11/2013 09:01
Điều kiện tiên quyết để tái cơ cấu thành công là “bắt mạch” chính xác những thị trường mà nông sản Việt Nam chiếm lợi thế. >>> Nông nghiệp: bức tranh huy hoàng đang thêm mảng tối >>>  Kinh tế gặp nguy nếu nông nghiệp khủng hoảng

Lợi thế và thất thế

Cho tới thời điểm hiện tại, có đủ căn cứ để khẳng định rằng, tái cơ cấu nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn, bởi nhiều lẽ:

Đã qua giai đoạn “khai sơn phá thạch”, nông nghiệp Việt Nam đang
hướng mạnh về xuất khẩu

Thứ nhất, không chỉ với 740 m2 đất nông nghiệp bình quân đầu người, xếp thứ 175 thế giới, mà do dân cư nông thôn vẫn còn chiếm hơn 2/3 dân số, xếp thứ 40, rõ ràng chúng ta không có lợi thế để phát triển nông nghiệp, còn để nông dân nói chung có thể làm giàu bằng nông nghiệp trong điều kiện như vậy không khác gì chuyện viễn tưởng.

Trong điều kiện công nghiệp và dịch vụ chắc chắn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh trong những chặng đường sắp tới, nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất này của nông nghiệp sẽ còn tiếp tục suy giảm thêm nữa.

Thứ hai, trong bối cảnh như vậy, thị trường trong nước thực sự là “chiếc áo quá chật” đối với nông nghiệp. Lý do là, với gần 7 người làm chỉ để cho 10 người ăn như hiện nay và tỷ lệ này cũng còn rất cao trong nhiều năm tới, sẽ tiếp tục quá khó để nông dân tiêu thụ được giá nông sản ở thị trường trong nước.

Thứ ba, sau gần 30 năm đổi mới, nền nông nghiệp hướng mạnh về xuất khẩu của Việt Nam về cơ bản đã được định hình, tức là giai đoạn “khai sơn phá thạch” đã lùi lại, nên dư địa cho tái cấu trúc chắc chắn là không nhiều.

Thứ tư, trong bối cảnh như vậy và trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, thị trường trong nước và thế giới không khác gì những chiếc bình thông nhau, cho nên nhu cầu của bất kể thị trường nào cũng đều là những căn cứ để định hướng tái cấu trúc, miễn là có sức cạnh tranh.

Thực tế đời sống kinh tế gần 30 năm đổi mới vừa qua cho thấy rất rõ những điều đó.

Kết quả tính toán từ các số liệu thống kê cho thấy, trong những năm đầu đổi mới, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông sản chủ yếu mới chỉ dao động xung quanh ngưỡng nửa tỷ USD và cũng chỉ chiếm hơn 10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, nhưng năm 2012 đã tăng gấp 52 lần, chiếm 54%.

Các con số này trong năm nay, chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa. Hoặc xét dưới góc độ khác, trong khi giá trị sản xuất nông nghiệp trong 22 năm gần đây tăng 15 lần, thì xuất khẩu các mặt hàng này đã tăng 57,4 lần.

Không thể duy ý chí

Sức cạnh tranh chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định việc chiếm lĩnh được thị trường hay không, bất kể đó là ngoài nước hay trong nước. Sức cạnh tranh đó trước hết phải được thể hiện bằng năng suất và chất lượng.

Thực tế đời sống kinh tế nước ta những năm qua đã cho những thí dụ hết sức sinh động. Chẳng hạn, do nhu cầu tiêu dùng thức ăn chăn nuôi tăng rất mạnh, sản xuất hai loại nguyên liệu chủ yếu là ngô và đậu tương ngày càng bất cập, dẫn đến nhập khẩu rất lớn.

Các số liệu thống kê của Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) và của Việt Nam cho thấy, do sản lượng ngô 5 năm trở lại đây chỉ tăng bình quân 100.000 tấn/năm và năm 2012 chỉ đạt 4,8 triệu tấn, nên nhập khẩu ngô cùng kỳ đã tăng gấp ba, từ 540.000 tấn lên hơn 1,6 triệu tấn.

Hơn thế, do giá đậu tương khi trồi, lúc sụt, sản lượng trong 10 năm trở lại đây chỉ dao động ở ngưỡng 200.000 tấn, cho nên nhập khẩu năm 2012 đạt kỷ lục gần 1,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, do công nghiệp ép dầu phát triển quá kém, nhập khẩu dầu ăn rất lớn, nên nhập khẩu khô đậu tương đã tăng 5,5 lần, đạt 2,7 triệu tấn.

Rõ ràng, việc diện tích ngô gần 10 năm trở lại đây chỉ dừng ở ngưỡng 1,1 triệu ha, thậm chí diện tích đậu tương còn giảm từ mức kỷ lục trên 200.000 ha xuống còn 121.000 ha và sản lượng cũng rất khiêm tốn là do năng suất thấp.

Số liệu thống kê của FAO còn cho thấy, cho dù có tiến bộ, nhưng năng suất đậu tương của Việt Nam 10 năm trở lại đây chỉ tăng nhẹ. Năng suất ngô tuy có mức tăng rất đáng khích lệ, nhưng chưa đủ khuyến khích nông dân gia tăng diện tích và sản lượng.

Trong khi đó, năng suất cà phê của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc từ hơn hai thập kỷ nay. Năng suất lúa tuy tăng chậm hơn, nhưng rất đều đặn. Đây chính là yếu tố có ý nghĩa quyết định, khiến diện tích lúa vẫn tăng, đặc biệt là diện tích cà phê tăng rất mạnh, vượt rất xa giới hạn quy hoạch, giúp chúng ta khẳng định vị thế cường quốc xuất khẩu ở các mặt hàng này.

Những thực tế nói trên hoàn toàn cho phép khẳng định rằng, giảm rất mạnh tới 1/3 diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô và cỏ xanh, nhờ đó để tăng gấp rưỡi, gấp đôi thu nhập của nông dân trồng lúa, còn thu nhập của nông dân trồng ngô thì cũng gấp đôi so với thu nhập từ trồng lúa hiện nay - như khẳng định của nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - cần được xem xét một cách thấu đáo, bởi rất nhiều lẽ:

Một là, khi cung lúa gạo vẫn đủ để đáp ứng cầu, thật khó để giá lúa tăng gấp rưỡi, gấp đôi, vì đó là quy luật của kinh tế thị trường, trừ phi Chính phủ áp đặt giá và tổ chức mua lúa gạo với giá đó. Hơn thế, do thị trường trong nước và thế giới giống như những chiếc bình thông nhau, lúa gạo giá rẻ của các quốc gia xung quanh sẽ ồ ạt tràn vào và câu chuyện sẽ trở nên hết sức phức tạp.

Thực tế cho thấy, Thái Lan đã làm thế 2 năm qua và mỗi năm có khoảng 1 triệu tấn lúa tràn vào, kho lúa gạo khổng lồ của Chính phủ chưa thể đẩy ra thế giới để lấy chỗ chứa vụ mới, đang không khác gì “chiếc gông đeo cổ”.

Hai là, cũng sẽ không có chuyện thu nhập cao gấp đôi của nông dân trồng ngô so với nông dân trồng lúa bởi hai lý do.

Trước hết, trong khi năng suất bình quân thực tế trên 1,1 triệu ha của nông dân hiện là 4,3 tấn/ha, thì mức năng suất 10 - 12 tấn/ha để khẳng định như vậy, vẫn còn là năng suất “trên trời”.

Sau nữa, mức giá trên dưới 7.000 đồng/kg giúp nông dân có thu nhập cao cũng là giá “trên trời”, bởi đó là giá được hình thành khi thế giới mất mùa ngô.

Trong khi đó, việc để cho giá gạo xuất khẩu tụt dốc xuống mức “đáy” của thế giới khiến giá lúa của nông dân rẻ hơn giá ngô là câu chuyện duy nhất chỉ có ở Việt Nam, chứ không phải là tình trạng chung của thế giới. Do vậy, có lẽ là phiêu lưu khi bỏ thứ có năng suất cao, có sức cạnh tranh vượt trội để chuyển sang thứ năng suất thấp, chưa thể cạnh tranh.

Ba là, do thị trường trong nước là “chiếc áo quá chật” đối với nông sản như đã nói ở trên, việc sản lượng ngô tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba, còn khối lượng cỏ xanh chắc chắn cũng sẽ rất khổng lồ và đàn bò cũng sẽ đông đúc gấp bội rất có thể sẽ đẩy nông dân vào ngõ cụt, do ngô chắc chắn khó có thể xuất khẩu, còn thịt bò lại càng không.

Phân tích trên cho thấy, tái cấu trúc nông nghiệp là vấn đề bức xúc, nhưng phải tuân theo quy luật của thị trường, nếu không, nguy cơ đẩy nông dân vào tình trạng khó khăn hơn là rất lớn, nếu không muốn nói là chắc chắn.

Đón đọc bài 3: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”

Tin liên quan
Tin khác