(Ảnh: Thế Anh/TTXVN) |
Trong tổng số xe tiêu thụ trên, có 21.288 xe du lịch, tăng 25%; 7.096 xe thương mại, giảm 7% và 515 xe chuyên dụng, tăng 31% so với tháng trước.
Xét về xuất xứ xe, trong khi doanh số xe lắp ráp trong nước đạt 17.599 xe, tăng 2% thì doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ đạt 11.300 xe, nhưng tăng tới 46% so với tháng trước.
Theo thống kê của VAMA, trong các thương hiệu ô tô đang sản xuất và phân phối tại Việt Nam, Toyota có doanh số bán hàng dẫn đầu toàn thị trường với doanh số 8.426 xe, tiếp đến là Honda 3.475 xe, MAZDA 2.920 xe, Kia 2.657, Ford 2.574 xe...
Tính chung tổng doanh số bán hàng từ đầu năm đến hết tháng 10 vừa qua, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ 223.326 xe các loại, chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xe du lịch tăng 13%, xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 44%.
Cũng xét theo xuất xứ xe được tiêu thụ trong 10 tháng qua, trong khi doanh số của xe lắp ráp sản xuất trong nước đạt 174.664 xe tăng 11% thì xe nhập khẩu đạt 48.756 xe giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo thống kê của VAMA, trong 10 tháng qua, thương hiệu tiêu thụ nhiều xe nhất vẫn là MAZDA đến từ Nhật Bản có đến 26.165 xe được bàn giao đến tay khách hàng cả nước; xếp ở các vị trí tiếp theo là thương hiệu Kia tiêu thụ 23.310 xe, Honda 21.054 xe, Ford 17.210 xe...
Đáng chú ý, thị trường ô tô Việt Nam còn thương hiệu xe Hàn là Hyundai Thành Công trong tháng 10 vừa qua cũng đạt doanh số 6.510 xe, cộng dồn 10 tháng lên con số 51.046 xe. Tuy nhiên, do Hyundai Thành Công không phải là đơn vị thành viên VAMA nên doanh số bán hàng không có trong báo cáo này.
Nếu tính thị phần của các ô tô đang hoạt động tại Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, Hyundai sẽ đứng ở vị trí thứ hai, chỉ sau Toyota và tính doanh số 10 tháng qua, Hyundai Thành Công có doanh số dẫn đầu toàn thị trường.
Theo đánh giá của giới chuyên doanh, sở dĩ doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng mạnh; trong đó có việc trước trong và sau thềm Triển lãm ô tô Việt Nam 2018, các doanh nghiệp thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng, chạy doanh số cuối năm.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn trong báo cáo bán hàng tháng 10 vừa qua là trong khi doanh số bán xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ tăng trưởng 2% thì xe nhập khẩu lại tăng đến 46% so với tháng trước. Có được mức tăng trưởng này, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp ô tô đã đáp ứng được các thủ tục nhập khẩu xe theo quy định mới tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP về các điều kiện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu, kinh doanh xe ô tô để đưa xe về phân phối sau thời gian dài vắng bóng thị trường Việt.
Có thể kể đến, sau nhiều năm bị Thaco bỏ xa về doanh số cũng như thị phần, tháng 10 vừa qua, nhờ những mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc như Fortuner, Avanza, Wigo và Rush cùng với mẫu xe bán chạy nhất của mình là Vios, Toyota Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu toàn thị trường ô tô.
Ngoài ra, thị trường ô tô Việt Nam còn có các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc khác là CR-V, Civic, Jazz của Honda; Ranger, Everest, Explorer của Ford; hay Trailblazer, Orlando của GM; Xpander, Triton của Mitsubishi... cũng được đưa về Việt Nam phân phối đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh số ở mảng xe nhập khẩu...
Giới chuyên doanh cũng nhìn nhận, tuy tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô 10 tháng năm 2018 đạt hơn 223.000 xe các loại, chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng qua con số bán trong tháng 10 vừa qua cho thấy, dấu hiệu của thị trường ô tô Việt Nam bắt đầu sôi động.
Đặc biệt còn hơn tháng nữa sẽ kết thúc năm 2018, cùng với mùa mua sắm xe cuối năm cũng bắt đầu, doanh số tiêu thụ của toàn thị trường ô tô Việt Nam có thể đạt cao hơn so với con số gần 273.000 xe của năm 2017.