Vật liệu - công nghệ
Thị trường thiết bị báo cháy, phòng cháy: Vàng thau lẫn lộn
Nhất Nam - 06/05/2018 16:38
Chưa bao giờ câu chuyện phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhà ở lại được người dân đặc biệt quan tâm như lúc này. Sau hàng loạt tai nạn về cháy nổ, người dân bắt đầu đổ xô đi mua thiết bị PCCC. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, hiện thị trường này đang “khó kiểm soát”, nên còn tình trạng vàng thau lẫn lộn.
Mua thiết bị PCCC trôi nổi rất dễ “dính” phải hàng kém chất lượng. Ảnh: Dũng Minh

Sức mua đang tăng…

Sau thảm họa của vụ cháy kinh hoàng ở Chung cư Carina Plaza (TP.HCM) và những vụ cháy xảy ra ở Hà Nội hồi đầu tháng 3 vừa qua, nhu cầu mua sắm thiết bị PCCC của người dân tăng đột biến.

Chị Hải Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị PCCC trên phố Yết Kiêu, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay, thời gian vừa qua, người tiêu dùng đổ xô đi mua mặt nạ chống khói khiến mặt hàng này nhiều lúc lâm vào tình trạng cung không đủ cẩu.

Hiện trên thị trường có nhiều mẫu mặt nạ chống khói khác nhau, những hộ dân sống trong các khu chung cư cao cấp, có điều kiện tìm mua loại mặt nạ chống khói làm từ chất liệu chống cháy, có màng chắn bảo vệ mắt và phin lọc hoạt tính, chống khói, chống độc… giá bán khoảng 800.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm giá thấp hơn vài lần, đặc biệt là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Các thiết bị khác cũng nhộn nhịp không kém, bình chữa cháy bột loại 1-8 kg có giá 160.000 - 300.000 đồng/bình; bình chữa cháy CO2 từ 3-5 kg có giá 360.000 - 570.000 đồng/bình; thang dây thoát hiểm có giá khoảng 90.000 đồng/m.

Mức giá này được duy trì ổn định từ trước khi thị trường thiết bị PCCC “nóng” lên đến nay. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư công nghiệp và bảo hộ lao động Vĩnh Lộc Phát (Hà Nội), hiện tại giá các mặt hàng này tăng khoảng 5-20% so với trước thời cao điểm.

Tương tự, tại thị trường TP.HCM, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, giá của từng sản phẩm có phần nhích lên. Cụ thể, bình chữa cháy mini có giá từ 75.000 - 90.000 đồng/bình; bình chữa cháy bột loại 1 - 8 kg có giá 140.000 - 400.000 đồng/bình; bình chữa cháy CO2 từ 3-5kg có giá 350.000 - 520.000 đồng/bình; mặt nạ phòng độc giá 250.000 - 400.000 đồng/chiếc (tùy loại); quần áo chống cháy 500 độ là 1,7 triệu đồng/bộ, 1.000 độ có giá 2,5 triệu đồng/bộ. Dây thoát hiểm nhà cao tầng dài 9-30m có giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng/bộ; dây thoát hiểm từ 33 – 90 m có giá dao động từ 3,5 đến 6 triệu đồng/bộ…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, sáng lập Công ty Independent chuyên quản lý nhà chung cư tại TP.HCM cho biết, hiện hệ thống PCCC tại các chung cư phổ biến là các thiết bị: báo cháy (gồm tủ báo ở phòng bảo vệ và các đầu báo cháy báo khói ở các tầng); thiết bị chữa cháy sẽ bao gồm bơm chữa cháy, bơm bù áp các hệ thống vòi chữa cháy ở vách tường, hệ thống Spinkler ở tầng hầm, trong đó Spinkller là hệ thống khi có nhiệt độ cao tự bung nước dập lửa; bình bột Foam hòa chung vào hệ thống Spinkller để dập lửa hiệu quả. Những hệ thống như Spinkler thường các chung cư cao cấp mới lắp đặt.

Các thiết bị phòng cháy và báo cháy thường các chủ đầu tư đã lắp đặt, còn người dân chỉ quan tâm đến các thiết bị tăng khả năng sinh tồn và thoát khỏi hỏa hoạn. 

…nhưng vàng thau lẫn lộn

Theo chia sẻ của các nhà phân phối tại Hà Nội, dù thiết bị PCCC đang được tiêu thụ mạnh, nhưng hàng nội lại vắng bóng trên thị trường, “nhường sân” cho hàng ngoại nhập. Một số mặt hàng bán chạy như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, dây thoát hiểm... có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, nhưng đa số đến từ Trung Quốc. Đại diện Công ty cổ phần Bảo hộ lao động Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất bình chữa cháy mà thường nhập về từ Trung Quốc do giá rẻ, chỉ từ 100.000 - 200.000 đồng/bình.

PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học PCCC cho biết, hiện trên thị trường không có bình cứu hỏa do Việt Nam sản xuất. “Cách đây khoảng 15 năm, Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công An) đã cho phép doanh nghiệp Việt sản xuất bình cứu hỏa, nhưng sản phẩm không được người tiêu dùng chọn mua, nên sau đó không sản xuất nữa. Đến nay, một lượng lớn bình cứu hỏa trên thị trường do Trung Quốc sản xuất”.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất Việt Đức (một đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị báo, phòng cháy từ Đức) cũng cho biết, hàng giá rẻ, kém chất lượng, công dụng báo cháy vẫn hoạt động được nhưng cảm biến không tốt và độ bền, độ nhạy kém hơn, đa số những sản phẩm này đến từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một lượng lớn hàng giả, nhái thương hiệu nổi tiếng được chính người Việt sản xuất và trà trộn vào thị trường. Việc này làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm trên thị trường và thiếu minh bạch trong cạnh tranh. Đặc biệt, người tiêu dùng khi mua phải những hàng kém chất lượng này, không may tòa nhà xảy ra sự cố thật thì thiết bị sẽ không hỗ trợ được và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Các thiết bị PCCC có thời hạn nên cần được kiểm tra thường xuyên

Một trong những lý do khiến thị trường thiết bị báo, phòng cháy rơi vào tình trạng vàng thau lẫn lộn, theo ông Ngọc Anh, trước tiên phải kể đến chính người tiêu dùng Việt ham đồ rẻ và tư duy kém về việc PCCC. Đặc biệt, nếu người xây, sửa nhà phó thác việc chon mua vật liệu cho nhà thầu do kém hiểu biết hoặc không có thời gian thì tình hình còn tệ hơn.

“Có khi những cái rơ le đảo chiều, người dân cũng mua hàng kém chất lượng xuất xứ từ Trung Quốc chỉ 8.000 đồng, trong khi loại tốt chỉ 50.000 đồng và hơn hẳn về mọi mặt thì rất ít được chọn. Ví dụ, chúng tôi bán hàng xuất xứ từ nước Đức thì họ lại kêu đắt.

Thậm chí, nhiều chủ đầu tư mà tôi không tiện nói tên cũng từng đến công ty chúng tôi đặt hàng, nhưng với yêu cầu chỉ cần hàng từ Trung Quốc, không cần hàng tốt…, nên chúng tôi từ chối vì uy tín của Công ty. Kế đến là các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát, kiểm định về chất lượng, xuất xứ… sản phẩm trên thị trường.

Ngoài ra, không phải đơn vị nào cũng mua tận gốc bán tận ngọn mà phải qua bên thứ ba. Nếu đạo đức nghề nghiệp của bên thứ ba này tốt thì không sao, nhưng họ làm hàng nhái thì cũng khó kiểm soát”, ông Nguyễn Ngọc Anh nói.

Ở một góc độ khác, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cũng cho rằng, tại các công trình đã được nghiệm thu về PCCC, các hệ thống PCCC tại thời điểm kiểm tra nghiệm thu đều hoạt động đảm bảo theo thiết kế được duyệt, đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật của hệ thống.

Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động ổn định các hệ thống đảm bảo trong suất quá trình công trình hoạt động thì chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà… phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa thay thế khi có hư hỏng.

Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công An cho biết, hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều mặt hàng thiết bị PCCC kém chất lượng, thậm chí hàng giả. Đơn vị này cũng đang đề nghị Cảnh sát PCCC các địa phương phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra, xử lý.

Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng chỉ ra nguyên nhân khiến thị trường thiết bị báo, phòng cháy kém chất lượng là việc quản lý chất lượng bình cứu hỏa được thực hiện theo Thông tư 66/2014/TT-BCA của Bộ Công an nhưng hiện chưa có quy chuẩn quốc gia về tiêu chuẩn bình cứu hỏa nên việc kiểm định sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Ví dụ, bình cứu hỏa nhập từ nước A thì phải sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật mà nước A ban hành hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở do chính nhà sản xuất ban hành. Việc kiểm định sẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Tuy nhiên, các chỉ tiêu trong tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà sản xuất không được thấp hơn tiêu chuẩn của Việt Nam.

Còn theo nhận định của các nhà phân phối, để thị trường thiết bị báo, phòng cháy hiện nay trở nên có “chất” và trong sạch hơn cần sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan chức năng. Nhưng trước mắt, mỗi người dân cần thay đổi tư duy, chủ động hơn và không nên chọn hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, “đặt cược” tính mạng của mình, gia đình và người xung quanh vào những sản phẩm giá rẻ, chất lượng cũng rẻ theo.

Tin liên quan
Tin khác