Trích dẫn dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX trong báo cáo vừa được công bố của mình, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VPER) cho biết, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính ở mức 159 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại phát hành 42,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kỳ hạn bình quân 4,7 năm. “So với lãi suất tiền gửi thì đây là một mức lãi suất cao và hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ”, VEPR đánh giá.
Tuy nhiên, theo VEPR, do tại Việt Nam chưa tồn tại một tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp, sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, đánh giá.
Cơ quan nghiên cứu này nhận định, trước mắt, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cùng lúc đó các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư cá nhân, khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua trái phiếu doanh nghiệp.
“Điều này gây nên việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, nguy cơ sụp đổ cao”, VPER cảnh báo.