Thời sự
Thích ứng an toàn với Covid-19 sẽ được thực hiện theo 4 cấp độ ra sao?
Dương Ngân - 12/10/2021 21:44
Tùy theo các cấp độ dịch mà các hoạt động giao thông, vận chuyển, kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, quán ăn, du lịch… được phép hoạt động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong đó nêu rõ bốn cấp độ dịch bệnh, gồm: cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ.

Nghị quyết cũng quy định tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 trên toàn quốc.

Các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch gồm: Tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc-xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi một, tiêm đủ liều); khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.

Nghị quyết cũng quy định Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch. Căn cứ vào Hướng dẫn của Bộ Y tế về đánh giá và xác định cấp độ dịch và tình hĩnh dịch trên địa bàn, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định chuyển đổi cấp độ dịch. 

Trong trường họp nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng.

Trong Nghị quyết, Chính phủ quy định rõ hoạt động của từng loại hình tương ứng với từng cấp độ dịch.

Cụ thể, nếu dịch ở cấp độ 1 sẽ được tổ chức các hoạt động ngoài trời không hạn chế số người; lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh cùng vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải được phép hoạt động (riêng đường hàng không và đường sắt theo quy định riêng).

Khi dịch ở cấp độ 1, các hoạt động, dịch vụ khác được phép hoạt động gồm: Cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng; 

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối; nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp; hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao…

Riêng cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp và các cơ sở khác sẽ được hoặc động hoặc hoạt động hạn chế, do địa phương quyết định.

Ở cấp độ 2, việc tổ chức các hoạt động ngoài trời; vận tải công cộng cùng hoạt động bán hàng rong, vé số dạo; hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, rạp chiếu phim… sẽ được tổ chức hoặc hoạt động nhưng hạn chế hoặc có điều kiện.

Riêng vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc… sẽ ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế.

Ở cấp độ 3 sẽ không tổ chức hoặc tổ chức hạn chế, có điều kiện các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời. Ngừng hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, có điều kiện với vận tải hành khách công động đường bộ, đường thủy nội địa; hoạt động bán hàng rong, vé số.

Hoạt động giáo dục hoặc đào tạo trực tiếp; cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; cơ sở nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch, rạp chiếu phim… sẽ hoạt động hạn chế.

Khi dịch có nguy cơ rất cao ở cấp độ 4, hầu hết hoạt động, dịch vụ sẽ dừng tổ chức/ hoạt động hoặc hoạt động hạn chế. Riêng lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoạt liên tỉnh; cơ sở sản xuất và đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động.

Nghị quyết cũng quy định trong trang thái bình thường mới tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 trên toàn quốc. Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn các biện pháp tại quy định này thì chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế và Thủ tướng.

Theo đó, căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, các địa phương sẽ quyết định biện pháp hành chính phù hợp bao gồm quy định, hướng dẫn cụ thể về công suất, số lượng người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa, văn nghệ, sự kiện tập trung đông người.

Chính phủ cho phép địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.

Theo nghị quyết Chính phủ ban hành, Chủ tịch tỉnh là người được quyết định cách ly y tế vùng (phong tỏa ổ dịch) nhanh nhất, ở phạm vi hẹp nhất có thể và triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tiếp cận dịch vụ y tế để người dân yên tâm tuân thủ quy định phòng, chống dịch. 

Cùng với việc ban hành nghị quyết, Chính phủ giao rõ nhiệm vụ cho từng bộ, ngành. Các bộ, cơ quan ngang bộ nói chung sẽ ban hành hướng dẫn mới hoặc cập nhật, sửa đổi các hướng dẫn đã có, tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đảm bảo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực của mình.

Các bộ ngành cũng cần kịp kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, xử lý các vấn đề đột xuất, phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch cho các địa phương. Chính phủ giao các địa phương chỉ đạo việc tổ chức thực hiện biện pháp phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan khi dịch đi qua.

Được biết, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng có 6 nội dung lớn sẽ tạm thời không được thực hiện kể từ khi áp dụng Nghị quyết hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là:

1. Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

2. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác;

3. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

4. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.

5. Các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà; chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở; tăng cường tổ chức họp trực tuyến. 

Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

6. Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Các nội dung của Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tạm thời không được thực hiện như:

1. Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng.

2. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

3. Giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

4. Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

5. Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

6. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Chỉ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu được mở cửa.

7. Hạn chế di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác; Hạn chế vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TPHCM đến nơi khác.

8. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Nhiều nội dung quy định tại Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ cũng tạm thời không được thực hiện như:

1. Dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

2. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu (khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, massage, quán bar, vũ trường...) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác theo quyết định hoặc chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn...) trừ các cơ sở dịch vụ không thiết yếu, khu tập luyện thể thao, khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

4. Đối với hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh, Chỉ thị 19 cho phép được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông, vận tải.

5. Riêng đối với vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, áp dụng các biện pháp phù hợp đặc thù ngành hàng không, bảo đảm an toàn cho hành khách, ngăn ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu địa phương giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh.

Đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

Không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời gian, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Riêng đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: đeo khẩu trang, sát trùng tay, ngồi giãn cách; thực hiện giám sát về y tế; không tổ chức liên hoan, tiệc mừng.

Tin liên quan
Tin khác