Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Thiên Tân Group triển khai kế hoạch trên, trong đó nhấn mạnh khuyến khích thuê chuyên gia Nhật Bản liên doanh với tư vấn trong nước lập quy hoạch huyện đảo để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Một góc đảo Lý Sơn. Ảnh: Hà Minh |
Ông Huỳnh Kim Lập cho biết: hiện đã có hai đơn vị tư vấn Nhật Bản đăng ký tham gia quy hoạch Lý Sơn. Thiên Tân Group đang thỏa thuận với đối tác Nhật Bản quy hoạch đảo để đảm bảo đạt được đồng thời các mục tiêu nói trên. Trong phương án quy hoạch Lý Sơn mà Thiên Tân Group gợi ý các đối tác tham gia sẽ có Dự án xây dựng cầu vượt biển dài khoảng 3km nối từ đảo lớn (gồm hai xã An Hải, An Vĩnh) sang đảo bé (xã đảo An Bình). Đồng thời, tính toán phương án lấn biển mở rộng diện tích và không gian đảo Lý Sơn. Trước mắt, Thiên Tân mời các đơn vị trong nước, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ khôi phục nguyên trạng các bãi biển hoang sơ quanh đảo, xử lý rác thải, nguồn nước sạch sinh hoạt... nhằm tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Lý Sơn là đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Do yêu cầu phát triển phải thay đổi điều chỉnh cho phù hợp, bảo vệ cảnh quan môi trường, kết nối Lý Sơn với các vùng lân cận nên phải dựa vào thế mạnh vốn có là nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.
Huyện đảo Lý Sơn gồm hai đảo là đảo Lớn và đảo Bé, nằm ở về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 30km, diện tích ban đầu 11 km2, gồm 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình, do bị xâm thực, sạt lở nên diện tích đã giảm xuống còn 9km2. Huyện đảo có hơn 2 vạn dân, trong đó khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề biển, 30% hộ dân sống bằng nghề nông (chủ yếu là trồng hành, tỏi, ngô, đậu phụng...) Trước đó, đã từng có đề xuất quy hoạch huyện đảo Lý Sơn theo hướng phát triển đô thị hiện đại với mật độ dân cư đông đúc như Singapore, Hồng Kông. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, định hướng này là không phù hợp, thay vào đó cần tìm mô hình quy hoạch cho đảo Lý Sơn theo hướng phát triển dịch vụ du lịch xanh chất lượng cao. Gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách đặc thù và triển khai các dự án lớn về hạ tầng nhằm hỗ trợ Lý Sơn phát triển thành huyện đảo tiền tiêu phát triển đồng bộ, thu hút được khách du lịch và đảm bảo chiến lược an ninh quốc phòng.