Nhu cầu thiết bị đeo thông minh ngày càng gia tăng tại Việt Nam đã kéo theo hàng loạt nhà sản xuất gia nhập thị trường để phân chia miếng bánh thị phần. |
Tăng trưởng đột biến
Khoảng 7 - 8 năm trước, người ta dự báo về một “cái chết báo trước” của wearable tech (bao gồm thiết bị theo dõi sức khỏe và đồng hồ thông minh) khi những “ông lớn” tiên phong như Samsung, LG chật vật tìm chỗ đứng, Motorola rời cuộc chơi, Pebble phải rao bán, Jawbone đóng cửa vô thời hạn. Thị trường lúc đó chỉ còn lại Fitbit, Apple và Google với tương lai mờ mịt trong phân khúc này, đối diện với sự phát triển như vũ bão của smartphone.
Nhưng đến hết năm 2020, wearable tech không những không chết yểu, mà còn trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các hãng công nghệ. Hãng nghiên cứu Gartner cho biết, chi tiêu của người dùng trên toàn thế giới cho wearable tech đạt 81,5 tỷ USD trong 2020, tăng 18,1% so với năm 2019 và dự báo đạt 100 tỷ USD vào năm 2021. Công ty Phân tích thị trường CCS Insights cũng cho hay, năm 2020, toàn thế giới đã bán được 193 triệu thiết bị đeo thông minh và dự báo năm 2021 đạt tới 239 triệu chiếc.
Tại Việt Nam, nhu cầu wearable tech cũng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hàng loạt công ty như Synnex FPT, PNJ, Doji, Thế giới Di động, Galle Watch... và các website thương mại điện tử đều tham gia phân phối đồng hồ, nhất là mảng smartwatch.
Theo số liệu của Satista, năm 2020, thị trường wearable tech Việt Nam đạt khoảng khoảng 65 triệu USD, tăng trưởng đột biến 33,5%. Các thương hiệu dẫn đầu tại thị trường Việt Nam bao gồm Apple, Huawei, Samsung, Fitbit… với sự gia tăng số lượng, mẫu mã ngày càng phong phú, đa dạng.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động của FPT Shop nhận xét, nhu cầu về thiết bị đeo thông minh rất lớn với con số tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước. Trước đây, người ta cho rằng, wearable tech là phụ kiện, song bây giờ, những thiết bị này quan trọng như điện thoại. Đơn cử, người dùng bắt đầu quen và sử dụng đồng hồ thông minh để phục vụ luyện tập thể thao và theo dõi sức khỏe. Vì vậy, FPT Shop đang tập trung mạnh vào kinh doanh wearable tech.
Đề cập ưu điểm của thiết bị đeo đáp ứng nhiều mục tiêu của người dùng như thuận tiện, nắm bắt nhiều thông tin và giữ cho người dùng được kết nối theo cách mà các thiết bị khác không thể thực hiện được, bao gồm cả smartphone, ông Ramon T. Llamas, Giám đốc nghiên cứu Thiết bị đeo của IDC nhấn mạnh, việc tiếp tục phát triển và đổi mới nhằm phục vụ khách hàng sẽ giúp doanh số của phân khúc này tăng mạnh trong thời gian tới.
Các hãng lớn gia nhập thị trường
Nhu cầu thiết bị đeo thông minh ngày càng gia tăng tại Việt Nam đã kéo theo hàng loạt nhà sản xuất gia nhập thị trường để phân chia miếng bánh thị phần.
Hãng Garmin bắt đầu thâm nhập, bán ra sản phẩm đầu tiên tại thị trường Việt Nam năm 2017. Từ đó đến nay, thương hiệu này liên tục gặt hái thành công với phong trào bơi, đạp xe, chạy bộ của người Việt.
Tháng 1/2021, Tập đoàn Garmin đánh dấu việc mở rộng mạng lưới chi nhánh tại châu Á bằng việc khai trương văn phòng đại diện đầu tiên ở Việt Nam, tiếp đó khai trương cửa hàng thương hiệu (Garmin Brand Store) đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 4/2021. Cùng với động thái này, Garmin đã hợp tác với Smartcom (thuộc Petrosetco) để phân phối sản phẩm vào chuỗi Thế giới Di động, đưa sản phẩm đến hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Ivan Lai, Giám đốc khu vực của Garmin
Không đứng ngoài cuộc chơi, một số thương hiệu công nghệ lớn của Việt Nam cũng nhanh chóng nhập cuộc. VinSmart đã tuyên bố nghiên cứu, sản xuất thiết bị đeo tay thông minh và vòng đeo tay thông minh giá rẻ có tên vBand.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Trung tâm Smartcity (Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart), VinSmart đang nghiên cứu và phát triển sản phẩm đồng hồ đeo tay thông minh, trước hết để theo dõi sức khỏe người dùng và ngoài ra còn có khả năng kết nối. Các thiết bị thông minh bao gồm cả đồng hồ thông minh VinSmart sẽ được sử dụng để tối ưu hóa như là một phần của hệ sinh thái thông minh đang được Vingroup triển khai tại các khu đô thị Vinhomes.
Trước đó, Công ty cổ phần Masscom Việt Nam cũng đã nghiên cứu, phát triển, sản xuất dòng sản phẩm đồng hồ thông minh Masstel Dream Action. Đây là thương hiệu smartwatch được cho là đầu tiên “make in Vietnam”. Các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VinaPhone, MobiFone cũng đã sản xuất đồng hồ công nghệ cho trẻ em, nhưng không phát triển dòng sản phẩm smartwatch.
Có thể thấy, trào lưu sử dụng wearable tech trên thế giới và tại Việt Nam đang rất thịnh hành. Đây là cơ hội hái ra tiền cho các nhà sản xuất, dù sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt. Đặc biệt, sự có mặt của các thương hiệu lớn trên thế giới như Garmin, OPPO, Xiaomi (Huami)… đang khiến phân khúc này nóng bỏng hơn bao giờ hết.