Thông tin doanh nghiệp
Thiết kế năng lượng các công trình xây dựng để tiến gần tới Net Zero năm 2050
Như Loan - 24/05/2022 14:50
Đây là chủ đề chính trong chương trình Năng lượng và Cuộc sống 2022 phát sóng trên kênh VTV2 – Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình Năng lượng và Cuộc sống 2022 trên VTV2

Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Công ty cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR).

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net Zero vào năm 2050.

Theo nhận định của ông Trần Thành Vũ, người sáng lập Công ty Edeec - đơn vị chuyên thiết kế năng lượng công trình - khách mời của chương trình thì: “Đây là một cam kết rất quyết liệt đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Để thực hiện được cam kết này thì về phía góc độ năng lượng cần thực hiện tốt 3 mảng rất quan trọng: Thứ nhất là tiết kiệm năng lượng; thứ hai là sản xuất năng lượng tại chỗ; và thứ ba là sản xuất năng lượng tái tạo. Trong đó, mảng tiết kiệm năng lượng hiện nay đang là vấn đề khó nhất và bị bỏ ngỏ chưa có sự kiểm soát chặt chẽ”.

Đối với mảng tiết kiệm năng lượng đã có rất nhiều các giải pháp được đề xuất, trong đó xây dựng các công trình dân dụng như nhà ở, khu chung cư hiện nay cũng đã đưa ra những giải pháp thiết kế tiết kiệm năng lượng

Thông thường, tuổi thọ các công trình xây dựng rất lớn, trên 50 năm, do đó các công trình áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng về lâu về dài sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí... Theo tham khảo các công trình từ nhiều nước trên thế giới, để xây dựng những tòa nhà, công trình tiết kiệm năng lượng, chi phí xây dựng có thể tăng từ 10% - 30% nhưng có thể mang đến mức tiết kiệm khoảng trên 20% chi phí năng lượng so với các công trình không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Dưới đây là một số giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công tác thiết kế các công trình xây dựng:

1. Khai thác các điều kiện tự nhiên

Ngay từ bước đầu thiết kế, chọn số liệu đầu vào (về bức xạ mặt trời, nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, gió…) để tận dụng khí hậu thiên nhiên và cảnh quan tự nhiên.

2. Lựa chọn kiểu dáng, hình khối công trình

Trong khâu thiết kế, việc chọn kiểu dáng, hình khối nhà cao tầng không chỉ thuần túy về phương diện thẩm mỹ kiến trúc mà còn có tác dụng tiết kiệm năng lượng trong quá trình xây dựng và vận hành, sử dụng.

3. Chiếu sáng tự nhiên

Thiết kế hệ thống cửa sổ nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng cho phòng cũng là một biện pháp hữu hiệu để tiết kiệm năng lượng trong xây dựng. Nên chọn loại cửa sổ cao và hẹp thì sẽ tốt hơn loại cửa thấp mà rộng (so với cùng một diện tích của cửa). Cửa dễ dàng đóng mở nhưng cũng đảm bảo yêu cầu che nắng.

4. Sử dụng kính

Bề mặt kính trong các công trình xây dựng không chỉ thụ động tiết kiệm năng lượng tức là chỉ ngăn nhiệt từ ngoài vào trong mà giảm thiểu truyền tải nhiệt ra ngoài, kính còn có khả năng chủ động thu năng lượng chuyển hóa thành dạng năng lượng phục vụ sinh hoạt của tòa nhà. Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.

5. Sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, thân thiện môi trường

Vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường có rất nhiều ưu điểm như giảm trọng tải móng, cách âm cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các vật liệu tác dụng chống thấm và chống nhiệt thích hợp góp phần tiết kiệm năng lượng cho công trình.

6. Sử dụng cây xanh

Không gian xung quanh công trình được xanh hóa sẽ tạo môi trường không khí thấp hơn, sạch hơn, mát hơn, ít phải sử dụng điều hòa không khí và tiết kiệm điện năng một cách rõ rệt.

7. Thiết kế hệ thống chiếu sáng

Sử dụng hệ thống điều khiển thông minh giúp giảm hoặc cắt hẳn lượng chiếu sáng khi không cần thiết bằng các sensor, điều khiển tự động độ sáng của đèn theo ánh sáng ngoài trời hoặc tự tắt đèn khi không có người sử dụng.

8. Thiết kế cấp nước

Sử dụng các thiết bị vệ sinh thế hệ mới có thể tiết kiệm được 20% lượng nước sử dụng; sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời kết hợp thêm hệ thống đun nóng dùng điện (hoạt động khi trời không nắng).

9. Hệ thống điều hòa không khí

Sử dụng thiết bị điều hòa không khí theo công nghệ biến tần inverter kết hợp với điều hòa không khí bằng năng lượng mặt trời, xem xét sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với hệ thống cảm ứng tự điều chỉnh nhiệt độ trong phòng phù hợp với nhiệt độ ngoài trời.

Tin liên quan
Tin khác