Tài chính - Chứng khoán
Thiếu cơ chế bảo vệ quyền nhận cổ tức của cổ đông
Thanh Thủy - 13/03/2024 08:25
Cổ tức là một thành tố trong lợi tức mà một nhà đầu tư nhận được khi đầu tư cổ phần. Quy định hiện hành yêu cầu cổ tức phải được thanh toán trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp cổ đông, nhưng không ít doanh nghiệp chây ỳ.
Becamex IJC nợ cổ đông Nhà nước tiền lãi chậm trả cổ tức gần 50 tỷ đồng.

Muôn kiểu lỡ hẹn cổ tức

Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc City, mã chứng khoán: KBC) công bố cuối tuần qua khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Phương án phân phối lợi nhuận sau thuế năm 2022 với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt đã được cổ đông thông qua ở kỳ đại hội tháng 6/2023, nhưng khả năng cao sẽ bị hủy tại kỳ họp năm nay.

Cụ thể, theo tờ trình gửi đến cổ đông, hai lý do được Ban lãnh đạo Kinh Bắc City đưa ra: Một là, doanh nghiệp ưu tiên dồn hết nguồn lực tài chính trong năm 2023 để thực hiện mua lại toàn bộ dư nợ trái phiếu đến hạn và trước hạn với số tiền hơn 4.060 tỷ đồng, đưa dư nợ trái phiếu về 0 đồng. Hai là, phải thu xếp nguồn lực tài chính để đảm bảo triển khai và mở rộng quy mô các dự án.

Điều đáng nói là, tại thời điểm thông qua phương án chia cổ tức, việc tất toán nợ trái phiếu, cùng tham vọng đầu tư mở rộng đã được Ban lãnh đạo Kinh Bắc City đề cập. Chưa kể, từ cuối năm 2022, doanh nghiệp này còn lên kế hoạch chi tiền cỡ ngàn tỷ để mua lại cổ phiếu KBC. Kế hoạch ban đầu là 100 triệu đơn vị cổ phiếu, sau giảm về 50 triệu đơn vị và hiện tại, theo phương án tại cuộc họp tới sẽ hủy hoàn toàn.

Với những thay đổi trong dự liệu về dòng tiền, Hội đồng Quản trị cho biết, sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận khác tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Cổ tức của năm 2022 vẫn là một dấu hỏi cho đến thời điểm hiện tại.

Cổ đông có thể khởi kiện ra tòa án các trường hợp doanh nghiệp vi phạm việc trả cổ tức. Tuy nhiên, thủ tục phức tạp, thời gian bỏ ra để thưa kiện không ít, khiến các cổ đông nản lòng.

Trình cổ đông thông qua rồi hủy phương án, thậm chí lần lữa nhiều năm không thực hiện là điều không phải chưa có tiền lệ.

Dù hoạt động xuất khẩu gạo gặt hái được nhiều thành công trong năm qua, nhưng CTCP Lương thực Bình Định (Bidifood) - công ty con của Vinafood2, lại khá chật vật trong việc cân đối dòng tiền.

“Giá vốn hàng hóa tăng đột biến hơn 50% kể từ tháng 7/2023, trong khi Công ty phải duy trì mức dự trữ lưu thông hơn 3.000 tấn gạo (46 tỷ đồng), dẫn đến hạn chế nguồn vốn; hiệu quả sử dụng vốn giảm và chi phí lãi vay tăng. Tình hình tài chính của Công ty đang rất khó khăn, không có tiền để chi trả phần cổ tức còn lại”, Chủ tịch HĐQT Bidifood, ông Lê Phát Tài cho hay.

Cổ tức năm 2022 của Bidifood giảm từ 170,5%, xuống còn 30%. Dù có 10/35 lá phiếu của các cổ đông không tán thành, nhưng nội dung trên đã được thông qua.

Không có nghị quyết thay đổi cổ tức, song cổ đông của CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) đều đặn nhận thông báo thay đổi lùi ngày thanh toán cổ tức năm 2016 và năm 2017 bằng tiền. Tình hình tài chính còn khó khăn là lý do liên tục được đưa ra.

Sudico có nhiều thay đổi trong năm 2023, từ người đứng đầu, kế hoạch tái khởi động dự án lớn, cho tới sự cải thiện rõ rệt về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, phương án chi trả cổ tức cũ nợ đọng và phân phối lợi nhuận năm 2023 có lẽ phải chờ cuộc họp cổ đông ngày 20/3 tới mới có lời giải.

Cơ chế bảo vệ cổ đông chưa mạnh

Đối với các nhà đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp, cổ tức là một trong hai nguồn lợi tức thu được, bên cạnh phần chênh lệch từ giao dịch mua bán.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên. Hội đồng Quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư - một trong 6 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, không nhắc tới các hình thức xử phạt hành chính xung quanh câu chuyện liên quan đến cổ tức.

Với quy định pháp luật như trên, cổ đông có thể khởi kiện ra tòa án các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thủ tục phức tạp, thời gian bỏ ra để thưa kiện không ít, khiến các cổ đông nản lòng.

Thậm chí, với ngay cả các cổ đông nhà nước cũng gặp cảnh chờ cổ tức mòn mỏi trong nhiều năm, nhưng ít nhất họ vẫn có thêm phần trả lãi phạt.

Khoản trả tiền lãi chậm trả cổ tức còn gần 50 tỷ đồng, phát sinh giữa Becamex và Becamex IJC, dự kiến được chi trả nếu phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng huy động 1.259 tỷ đồng của Becamex IJC tới đây thành công. Becamex IJC đã thanh toán toàn bộ phần gốc cổ tức phải trả từ năm 2011 đến năm 2018 cho Becamex (612 tỷ đồng), nhưng phần lãi chậm phát sinh 257 tỷ đồng thì mới chi trả được 109 tỷ đồng.

Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã giúp các cổ đông nhà nước có thêm “cây gậy” trong trường hợp doanh nghiệp chậm trả cổ tức quá 3 tháng, để đảm bảo các nguồn thu chảy về Quỹ. Tuy nhiên, quỹ trên cũng không còn tồn tại sau 20 năm hoạt động. Hơn nữa, quy định cũng chỉ mới bảo vệ cho một nhóm nhỏ cổ đông, mà bỏ rơi quyền lợi nhận cổ tức của các cổ đông khác, vốn chiếm số lượng đông đảo hơn nhiều.

Tin liên quan
Tin khác