Ảnh minh họa. |
Liên tiếp các bệnh viện thiếu thuốc
Từ tháng 7/2023, Sở Y tế TP.HCM có văn bản gửi Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn. Ngoài số ca mắc có xu hướng tăng nhanh, thì số ca nặng cũng gia tăng, các bệnh viện phải đối mặt với nguy cơ thiếu thuốc điều trị.
Theo đó, sự xuất hiện của biến chủng EV71 và tình hình hạn chế các thuốc thiết yếu trong điều trị bệnh tay chân miệng như Immunoglobulin (IVIG), Phenobarbital truyền tĩnh mạch... tại các tỉnh phía Nam khiến TP.HCM phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến (dao động trong khoảng 60 - 80%). Trong đó, nhiều ca chuyển độ nặng rất nhanh và nguy kịch.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị về cung ứng thuốc điều trị tay chân miệng, nhưng hiện nay, số thuốc dự trữ của Thành phố không đủ đáp ứng trước diễn biến tăng nhanh của dịch bệnh.
Ngoài dịch tay chân miệng, theo Bộ Y tế, dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh tại nhiều địa phương trên cả nước, nhiều trường học có tình trạng đến nửa lớp bị đau mắt đỏ.
Tại TP.HCM, dịch tăng kỷ lục với hơn 70.000 ca mắc. Các tỉnh, thành phố khác như Quảng Nam, Bình Phước, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, tần suất nhiễm bệnh này trong cộng đồng cao gấp 3-4 lần so với năm ngoái.
Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai 3-6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Đây là giải pháp căn cơ để đảm bảo các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Nhiều địa phương, trẻ em đến khám đau mắt đỏ chiếm 50%. Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận trung bình mỗi tuần có 800 ca đau mắt đỏ đến khám, nhiều ca là trẻ em bị biến chứng nặng do người dân chủ quan tự điều trị tại nhà.
Dù dịch tăng, nhưng theo phản ánh tại một số địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng… thuốc điều trị đau mắt đỏ khan hiếm. Đại diện Trung tâm Y tế huyện Núi Thành (Quảng Nam) cho biết, tại Trung tâm y tế huyện, cơ số thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế để điều trị dịch bệnh đã hết từ nhiều tháng trước.
“Hiện, kết quả đấu thầu thuốc cho năm 2023 vẫn chưa có, trong khi thuốc dự trù của năm 2022 chúng tôi đã dùng hết. Người dân khi đến khám tại Trung tâm y tế huyện phải mua thuốc bên ngoài để điều trị bệnh đau mắt đỏ”, vị này cho biết thêm.
Tương tự, tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam, khi được chẩn đoán đau mắt đỏ do vi-rút, người dân cũng phải tự mua thuốc theo đơn của bác sỹ để điều trị. Theo đại diện Bệnh viện Mắt Quảng Nam, thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế tại đơn vị này để điều trị đau mắt đỏ đã hết. Còn thuốc cho năm 2023 mới chỉ ở giai đoạn lập thủ tục đấu thầu.
Trước đó, nhiều ca ngộ độc thực phẩm cũng không được điều trị kịp thời do thiếu thuốc giải độc botulinum. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, những thuốc hiếm như BAT, huyết thanh trị độc rắn cắn... nếu phó mặc cho các cơ sở điều trị đặt mua thì rất khó và cũng chỉ có thể đặt số lượng rất ít (vì thuốc có hạn dùng ngắn và đắt tiền, khó bảo quản). Chưa kể, việc mua thuốc rất gian nan vì các công ty bán với số lượng ít, lợi nhuận thấp.
Giải pháp căn cơ là sửa quy định pháp lý
Để ứng phó tình trạng thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.
Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc Immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Hiện nay, 8.258 lọ thuốc đã nhập khẩu về Việt Nam và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11, thêm 2.000 lọ thuốc tiếp tục về Việt Nam.
Đối với thuốc điều trị tay chân miệng chứa hoạt chất phenobarbital, cơ sở trong nước đã nhập khẩu nguyên liệu về Việt Nam và sẵn sàng sản xuất trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng có sẵn thuốc điều trị tay chân miệng chứa hoạt chất milrinon để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Cũng theo ông Dũng, hiện Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục nhận được đề nghị của một số cơ sở khám chữa bệnh về việc nhập khẩu thuốc Barbit injection 1ml (dung dịch tiêm chứa Phenobarbital) đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của bệnh viện.
Cục Quản lý dược đã có văn bản hướng dẫn cơ sở hoàn thiện hồ sơ đề nghị nhập khẩu theo quy định. Về thuốc chứa hoạt chất milrinon, hiện có 2 cơ sở sản xuất trong nước là Công ty cổ phần dược phẩm CPC1 Hà Nội và Công ty cổ phần Pymepharco có sẵn thuốc để cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
“Nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng một số đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh”, ông Dũng nói.
Để đảm bảo nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, theo ông Dũng, giải pháp căn cơ là sửa đổi một số quy định pháp lý để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.