Doanh nghiệp
Thiếu “thuốc” trị loạn giá thuốc
Chí Tín - 29/08/2013 08:44
Sự hỗn loạn kéo dài trên thị trường dược phẩm cho thấy, hiện còn thiếu biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát giá và chất lượng thuốc.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện mới có khoảng 30 tỉnh, thành phố thực hiện đấu thầu giá thuốc và đã thu được một số kết quả nhất định, giá thuốc nhập vào bệnh viện đã giảm 20 - 30% so với mặt bằng các năm trước.

Hiện còn thiếu biện pháp hiệu quả nhằm kiểm soát giá và chất lượng thuốc

Việc đấu thầu giá thuốc đã giúp các địa phương giảm được phần nào chi phí thuốc chữa bệnh, như Quảng Ngãi tiết kiệm được 28 tỷ đồng, Hà Tĩnh 32 tỷ đồng, Hậu Giang 57 tỷ đồng…

Tuy vậy, nếu so với tổng chi phí hàng ngàn tỷ đồng của người bệnh đổ vào thuốc, thì số tiết kiệm trên chỉ như muối bỏ bể.

Mặc dù đã thực hiện đấu thầu, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp, cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng, nhưng giá chênh lệch khá lớn, thậm chí chênh tới gần 3 lần.

Chẳng hạn, thuốc Midapezon 1g (hoạt chất Cefoperazol + Sulbactam) do Việt Nam sản xuất có giá trúng thầu thấp nhất 28.770 đồng/lọ, nhưng cao nhất lên tới 64.995 đồng/lọ.

Đó là giá thuốc đấu thầu trong các cơ sở y tế, còn thuốc bán lẻ ngoài thị trường thì đúng là một ma trận đối với người bệnh và cơ quan quản lý xem ra không đủ công cụ để kiểm soát.

Giá thuốc thì như vậy, chất lượng thuốc còn là vấn đề nổi cộm hơn. Gần đây, cơ quan quản lý đã liên tục “tuýt còi” nhiều loại thuốc liên quan đến chất lượng.

Theo phản ánh của những người trong cuộc, việc quản lý thị trường thuốc hiện hành gặp khó khăn, một phần do nhiều quy định thiếu tính khả thi. Chẳng hạn, Luật Dược hiện hành quy định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả”.

Quy định này thật khó khả thi, bởi số lượng thuốc sản xuất và lưu hành tại Việt Nam hiện có trên 25.000 mặt hàng, với trên 1.500 hoạt chất, mà mỗi hoạt chất lại có nhiều chủng loại, hàm lượng… khác nhau.

Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, việc xác định giá tối đa cho tất cả các mặt hàng nêu trên là không khả thi.

Lý giải thêm cho vấn đề trên, ông Cường cho biết, Luật Dược chỉ giao một bộ (Bộ Y tế) làm đầu mối, mà không phân công cụ thể giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc, dẫn đến quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực, chức năng quản lý và điều hành giá thuốc thường không giao hoàn toàn cho Bộ Y tế, mà có một tổ chức cấp quốc gia hoặc liên bộ có đủ thẩm quyền và công cụ để thực hiện nhiệm vụ này.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Nhã Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco cho rằng, Luật Dược tới đây cần sửa đổi theo hướng có sự phân công phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc.

Ông Phương cho rằng, cơ quan quản lý cũng cần thống nhất việc quản lý những sản phẩm nhập khẩu dạng thực phẩm chức năng.

Để tạm thời khắc phục tình trạng “loạn giá” trong đấu thầu giá thuốc, từ giữa năm 2013, Bộ Y tế đã có Chỉ thị 06/CT-BYT yêu cầu các cơ sở y tế khi đấu thầu mua thuốc phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng của các đơn vị khác do Bộ tổng hợp và công bố.

Ngoài ra, chỉ thị trên cũng quy định, khi các cơ sở đấu thầu những mặt hàng chưa có giá trúng thầu được công bố, thì phải tham khảo giá bán, hoặc hóa đơn bán hàng của ít nhất 3 đơn vị cung ứng thuốc trên thị trường tại thời điểm đó.

Tin liên quan
Tin khác