Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2013 tăng 0,83% so với tháng trước. Nhiều người phấp phỏng, vì lo lạm phát sắp tới sẽ thế nào.
Thực ra, nếu chỉ tính theo mục tiêu năm, thì năm 2013, còn nhiều dư địa để điều hành giá, bởi sau 8 tháng, lạm phát mới là 3,53%. Giả sử bình quân 4 tháng còn lại, mỗi tháng CPI tăng 0,8%, thì cả năm, lạm phát cũng chỉ quanh mức 7%. Nhưng đó là con số chấp nhận được. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định như vậy.
| ||
Viện phí tăng, nhưng chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa được cải thiện |
Song, đó là những nhận định đứng trên bình diện vĩ mô.
Nếu nhìn vào diễn biến CPI của tháng 8/2013, rất dễ để nhận ra vì sao CPI tháng này lại tăng tốc đến như vậy. Đó là do nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế, tăng tới 4,11%, trong đó, riêng dịch vụ y tế tăng 5,09%.
Ở Hà Nội, tháng 8/2013, do tăng giá dịch vụ y tế, mà nhóm hàng này tăng tới hơn 63,94%, khiến CPI của Thành phố tăng 3,16%. Nếu không tính giá viện phí tăng, CPI của Hà Nội tháng 8 chỉ tăng 0,59%.
Một điểm dễ thấy, khi viết về CPI của Hà Nội và TP.HCM, các cơ quan truyền thông đã có một bình luận rằng: trong khi CPI Hà Nội tăng tới 3,16%, thì của TP.HCM chỉ tăng 0,31%.
Điều đó không sai nhưng không có nghĩa TP.HCM đã kiềm chế giá cả tốt hơn. Nghe nói, đầu tàu kinh tế của cả nước đã tạm thời chưa tăng giá viện phí, mà có thể sẽ lùi xuống cuối năm. Và khi ấy, không biết CPI của TP.HCM sẽ là bao nhiêu, tác động tới lạm phát cả nước ra sao.
Chưa kể, tháng 9 tới, mùa khai trường, nhóm hàng giáo dục chắc chắn sẽ tăng. Cũng chẳng ai biết chắc, liệu giá điện, giá xăng tới đây tăng giảm thế nào. Lạm phát sẽ bị ảnh hưởng. Và đương nhiên, lạm phát tăng thế nào, nghĩa là túi tiền của người dân vơi đi
Nhưng cái đáng nói ở đây, là theo kết quả khảo sát mới nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tại 7 địa phương là Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Nam, Kon Tum, thì sau gần 1 năm thực hiện giá dịch vụ y tế mới, tình trạng quá tải, chất lượng khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện vẫn chưa thay đổi đáng kể. Dù chỗ ngồi chờ của người bệnh đã được… mở rộng hơn; công nghệ thông tin cũng đã được áp dụng trong tiếp nhận bệnh nhân; người bệnh không phải chi thêm những khoản chi phí về vật tư y tế tiêu hao như bông, băng, ống xông…
Hãy cứ thử đến các bệnh viện, sẽ thấy bệnh nhân la liệt ngồi chờ đến lượt khám. Thông tin cho biết, tại nhiều cơ sở y tế, trung bình 1 bàn khám tiếp nhận và khám cho từ 70 - 80 bệnh nhân, có nơi lên tới 150 bệnh nhân/bàn khám/ngày. Khám thế, sao đảm bảo chất lượng?
Vậy mới có chuyện “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức mới đây. Rồi chuyện có sản phụ không được cấp cứu kịp thời, nên con chết mà mẹ cũng chết…
Đành rằng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Và rằng, trong khám chữa bệnh, mọi sơ sẩy đều có thể xảy ra. Diễn biến bệnh có thể xấu hơn tiên lượng, mà ngay cả bác sĩ nhiều kinh nghiệm nhất cũng không lường trước được… Nhưng không thể không thừa nhận, chất lượng dịch vụ y tế Việt chẳng tăng được bao nhiêu, dù viện phí đã tăng và tăng cao.
Bởi thế, nhìn lạm phát Việt Nam đang tăng, chỉ vì viện phí tăng, mà cảm thấy ngậm ngùi. Bao giờ thì người Việt có thể bớt lo về chất lượng bệnh viện?
Nguyên Đức