7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 16,7 tỷ USD |
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 20/7/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, 7 tháng qua có 1.006 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 10,13 tỷ USD, giảm 37,9% về số dự án và tăng 7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có 561 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,54 tỷ USD, giảm 9,4% về số dự án và giảm 3,7% về số vốn so với cùng kỳ.
Ngoài ra, còn có 2.403 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 46,1% về số lượt góp vốn và giảm 55,8% về số lượng vốn góp so với cùng kỳ.
Như vậy, ngoài vốn đầu tư đăng ký mới tăng so với cùng kỳ thì cả vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều giảm. Nếu tính về số lượng dự án, thì giảm đều ở cả phần dự án mới, dự án tăng vốn và số lượt góp vốn, mua cổ phần.
Đây là điều rất đáng chú ý. Dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng tiếp tục là một trong những nguyên nhân khiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm.
Không chỉ vốn đăng ký mới giảm, mà vốn giải ngân cũng đang bị ảnh hưởng. Số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm, vốn thực hiện vẫn khá, ước đạt 10,5 tỷ USD, nhưng chỉ còn tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong tháng đã dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất. Riêng trong tháng 7, vốn thực hiện 7 giảm 14,3% so với tháng 7/2020 và giảm 39,7% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính cả 7 tháng đầu năm vốn thực hiện vẫn tăng nhẹ.
Sự thiếu vắng các dự án lớn cũng đã khiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không như kỳ vọng. Trong “bảng tổng sắp” các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn trong 7 tháng đầu năm, không thấy ghi nhận dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trong tháng 7/2021.
Các dự án lớn hầu hết vẫn là các dự án đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư trước đó. Chẳng hạn, Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), 3,1 tỷ USD, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư hồi tháng 3/2021.
Hay Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, cấp chứng nhận đăng ký đầu tư hồi tháng 1/2021. Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), cũng được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD vào hồi tháng 2/2021...
Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực.
Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 7,9 tỷ USD, chiếm 47,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,49 tỷ USD, chiếm 32,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt 1,16 tỷ USD và gần 631 triệu USD.
Nếu tính theo đối tác đầu tư, đã có 86 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,92 tỷ USD, chiếm gần 35,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,8% so với cùng kỳ 2020; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,54 tỷ USD, chiếm gần 15,2% tổng vốn đầu tư, tăng 58,2% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 81% và 68,3% tổng vốn đăng ký của hai quốc gia này.
Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,2 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư, giảm 22,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Điểm tích cực là dù Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 7 tháng đầu năm, mặc dù mức độ tăng giảm nhẹ so với 6 tháng.
Cụ thể, xuất khẩu kể cả dầu thô ước đạt 135,8 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 135 tỷ USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ, chiếm 73,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước nhập khẩu 120,9 tỷ USD, tăng 37,6% so cùng kỳ và chiếm 64,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Như vậy, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14,9 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 14,1 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 17,4 tỷ USD.