TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. |
Khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân, vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy vậy, quý I/2024, tổng vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước phục hồi rất chậm, chỉ tăng 4,2%. Ông đánh giá thế nào về con số này?
Trước hết, phải nhìn nhận, các động lực tăng trưởng truyền thống trong quý I/2024 như xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng tích cực; trong đó xuất khẩu tăng 17%, cán cân thương mại thặng dư hơn 8 tỷ USD, đầu tư tăng 4,7%, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93%...
Các khu vực của nền kinh tế cũng hồi phục tương đối tích cực: khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng gần 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; dịch vụ tăng 6,12%. Các con số này tương đương 90% thời điểm trước Covid-19.
Tuy vậy, trong quý I/2024, một số lĩnh vực vẫn phục hồi không đồng đều. Đơn cử, lĩnh vực bán lẻ tăng danh nghĩa 8%, song thực chất chỉ tăng 5%, chưa bằng một nửa mức bình thường trước đây (12%). Đầu tư ngoài nhà nước tăng 4,2%, dù phục hồi so với mức tăng 1,8% của quý I/2023, nhưng chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước Covid-19 (8-8,5%).
Kinh tế tư nhân là khu vực vô cùng quan trọng, đóng góp 50% GDP, 19% ngân sách, 25% xuất khẩu và tạo ra 80% việc làm. Nếu doanh nghiệp tư nhân không chịu “xuống tiền”, tăng trưởng khu vực này chậm lại, nền kinh tế sẽ bị ách tắc.
Khi trao đổi về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp vẫn nói là thiếu vốn, khó tiếp cận vốn, thưa ông?
Doanh nghiệp Việt Nam không lo thiếu vốn. Thực tế, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mới đạt 1/3, dù ngân sách đã bố trí nguồn.
Với bất động sản, các doanh nghiệp ngành này đang phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng (dựa 50-55% cầu vốn vào tín dụng). Thực tế, tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng tốt. Năm 2023, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng gần 30%, trong khi tín dụng vay mua nhà, sửa nhà chỉ tăng 1,7%, chủ yếu do người dân hạn chế vay. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang ấm dần trở lại, sẽ thúc đẩy cầu mua nhà gia tăng. Nhìn chung, tín dụng đang phục hồi và mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 15% năm nay là hoàn toàn khả thi.
Bên cạnh tín dụng, cũng cần khai thông các kênh huy động vốn khác, nhất là trái phiếu doanh nghiệp. Quý I/2024, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 18.750 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 ước tính khoảng 239.000 tỷ đồng (trong đó doanh nghiệp bất động sản chiếm khoảng 42%), cho thấy thị trường vẫn còn nhiều khó khăn và cần thời gian để hồi phục. Rất mong Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP để thúc đẩy phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại.
Để doanh nghiệp yên tâm “xuống tiền” đầu tư kinh doanh, theo ông, cần thực thi các giải pháp gì?
Bên cạnh phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân, tiêu dùng), cần khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới và cũng là xu thế tất yếu toàn cầu (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, liên kết vùng).
Về thể chế, những ách tắc, vướng mắc trong thời gian qua phải được giải quyết rốt ráo. Cụ thể, cần tập trung ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý và khẩn trương ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn đồng bộ các luật vừa được Quốc hội thông qua để đảm bảo hiệu lực thực thi; sớm ban hành thể chế, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng...
Ngoài ra, phải đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao; chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Tập trung phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thị trường vàng.
Cuối cùng, nâng cao hiệu quả trong điều hành, phối hợp chính sách (đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác) nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ, đảm bảo an sinh xã hội.
Ông dự báo thế nào về triển vọng tăng trưởng, phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế trong quý II/2024, cũng như cả năm nay?
GDP quý I/2024 tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, đạt 5,66%. Trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, dự báo tăng trưởng GDP quý II/2024 sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9-6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8-6,2% và cả năm 2024 có thể tăng 6-6,5%, thậm chí có thể lên tới 6,5-7% theo kịch bản tích cực.
Áp lực lạm phát năm 2024 dự báo ở mức cao hơn năm 2023 do yếu tố chi phí đẩy, song vẫn trong tầm kiểm soát và không đáng lo ngại (CPI bình quân tăng khoảng 3,4-3,8%). Cung tiền tăng, nhưng vòng quay tiền còn chậm, dự báo khoảng 0,7-0,9 lần; tỷ giá sẽ ổn định hơn và phối hợp chính sách ngày càng tốt hơn.