Kỳ vọng thị trường Việt Nam
Các lãnh đạo chủ chốt của ngành công nghiệp thịt heo Hoa Kỳ, thành viên Ủy ban Tiếp thị toàn cầu thuộc Hiệp hội Chăn nuôi heo Hoa Kỳ vừa thực hiện chuyến thăm Việt Nam nhằm đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị, tăng cường xuất khẩu thịt heo vào thị trường Việt Nam.
Ông Craig Morris, Phó chủ tịch Ủy ban Tiếp thị toàn cầu nhận định, sức tiêu thụ thịt heo Hoa Kỳ tại Việt Nam đang tăng lên. Theo đó, chuyến đi này giúp các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp thịt heo Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cũng như xây dựng nhận thức về thịt heo Hoa Kỳ và các sản phẩm thịt heo chế biến với các nhà làm luật tại Việt Nam.
Hiện nay, cùng với Singapore, Việt Nam đang trở thành thị trường mới nổi ở châu Á của ngành xuất khẩu thịt heo Hoa Kỳ. Các sản phẩm thịt heo nhập khẩu từ Hoa Kỳ về Việt Nam gồm thịt ba chỉ, giăm bông đã được chế biến sẵn và bảo quản cùng nhiều sản phẩm thịt heo chế biến khác. Theo thống kê, năm 2017, Hoa Kỳ xuất khẩu các sản phẩm giăm bông tươi, đông lạnh và thịt vai vào thị trường Việt Nam với tổng trị giá hơn 11 triệu USD.
“Người tiêu dùng ở Việt Nam và Singapore đang nhanh chóng tăng tỷ trọng thịt heo trong bữa ăn và điều này sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi nắm giữ thị phần lớn hơn nếu có những chiến lược đúng đắn. Chúng tôi hiểu rõ rằng, ở cả hai nước này, bức tranh về người tiêu dùng và nhà bán lẻ đang thay đổi. Do vậy, chúng tôi cần chia sẻ thông tin với các đối tác trong ngành tại Hoa Kỳ, đồng thời triển khai xây dựng những chiến dịch tiếp thị riêng để kết nối với người tiêu dùng ở từng quốc gia”, ông Morris cho biết.
Thêm lựa chọn cho người tiêu dùng
Thị trường thịt trong nước những tháng gần đây chứng kiến sự gia tăng trở lại của giá thịt heo. Đỉnh điểm vào đầu tháng 8/2018, giá thịt heo hơi xuất chuồng tại một số tỉnh, thành phố ở miền Bắc chạm mốc 57.000 đồng/kg.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm, tăng gấp đôi so với mức giá bình quân của năm 2017.
Tại miền Bắc, giá thịt heo hơi hiện đang được thu mua ở mức 52.000 - 55.500 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên, mức giá là 47.000 - 55.000 đồng/kg và tại miền Nam, giá giao dịch trong ngưỡng 46.000 - 51.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nếu mức giá thịt heo hơi trên 55.000 đồng/kg kéo dài, thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngành chăn nuôi, vì có thể khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, khiến tình trạng cung vượt cầu như năm 2017 có thể tái diễn.
Trong bối cảnh đó, sự mở cửa thị trường cũng mang đến nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Lượng thịt nhập khẩu ngày càng nhiều và giá cả không quá cao tạo cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận thịt ngoại hơn, thay vì chỉ phụ thuộc nguồn cung thịt trong nước với mức giá cao.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 19.581 tấn thịt heo, trị giá hơn 22,2 triệu USD, chủ yếu từ các thị trường chính như Hoa Kỳ, Ba Lan.
Ngoài sản phẩm thịt, các nhà cung cấp Hoa Kỳ còn đang xuất khẩu một lượng lớn phụ phẩm từ heo sang thị trường Việt Nam, trong đó, riêng nội tạng đỏ (tim, gan, cật...) đã xuất sang Việt Nam với giá trị khoảng 1 triệu USD. Tuy nhiên, nội tạng trắng (lòng, dạ dày...) thì chưa được cấp phép. Ông Craig Morris cho biết, phía Mỹ đang tiếp tục đàm phán và tìm kiếm cơ hội xuất nội tạng trắng sang Việt Nam.
Các doanh nghiệp nhập khẩu thịt của Việt Nam nhận định, thịt heo Hoa Kỳ đang chịu áp lực giảm giá rất lớn từ “cuộc chiến” thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, người chăn nuôi heo tại Hoa Kỳ đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn vì mất đi một thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc.
Năm 2017, khoảng 27% sản lượng thịt heo của Hoa Kỳ được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai xét về khối lượng nhập khẩu. Thị trường này chủ yếu tiêu thụ các phần thịt mà dân Mỹ không có nhu cầu như chân và tai heo.
Quay trở lại câu chuyện giá thịt trong nước, nếu thời gian tới, giá thịt heo hơi vẫn ở mức cao, thì tất yếu sẽ mở đường để thịt heo nhập khẩu về Việt Nam nhiều hơn.
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, để sản phẩm thịt nói riêng và nông sản nói chung trong nước không bị thua ngay trên sân nhà, con đường duy nhất của ngành chăn nuôi là cần cải tiến công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành.